Hà Nội

5 sai lầm khi trị viêm phế quản cấp ở trẻ

19-10-2022 15:24 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thời tiết giao mùa là thời điểm gia tăng nhiều bệnh hô hấp ở trẻ em, trong đó có viêm phế quản cấp. Viêm phế quản cấp ở trẻ cần được phát hiện và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản khi thời tiết chuyển mùaCách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản khi thời tiết chuyển mùa

SKĐS - Do những tác động từ môi trường, nơi làm việc, đời sống sinh hoạt bị ô nhiễm hiện nay khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh viêm phế quản ngày càng gia tăng, nhất là ở trẻ nhỏ.

1. Viêm phế quản cấp ở trẻ gia tăng lúc giao mùa

Thời tiết thay đổi liên tục lúc giao mùa là điều kiện thuận lợi cho virus vi khuẩn sinh sôi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho số bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp tăng nhanh, trong đó có bệnh viêm phế quản.

Viêm phế quản cấp tính là hiện tượng viêm nhiễm kích thích cấp tính ở niêm mạc phế quản làm rối loạn xuất tiết, tính thấm và phản ứng tại chỗ của phế quản.

Trẻ bị viêm phế quản cấp, niêm mạc phế quản bị kích thích tăng tiết dịch nhầy, thành phế quản dày lên, các sợi cơ trơn của thành phế quản bị co thắt làm tắc nghẽn lòng phế quản ở các mức độ khác nhau.

Nguyên nhân gây viêm phế quản thường do virus. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như vi khuẩn, nấm, dị ứng và các nguyên nhân hóa học.

Các virus thường gây bệnh bao gồm: Adenovirus type 1-7, enterovirus, parainfluenzae, virus cúm A và B; virus hợp bào hô hấp (RSV), rhinovirus…

Ở các trẻ có cơ địa dị ứng, miễn dịch kém, nhiễm khuẩn mạn tính ở đường hô hấp như viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, tiếp xúc nhiều với khói thuốc, bụi… thì viêm phế quản càng dễ tái phát.

photo-1666149657271

Viêm phế quản cấp ở trẻ gia tăng lúc giao mùa.

2. Làm sao nhận biết trẻ bị viêm phế quản?

Có thể dễ dàng nhận biết trẻ mắc viêm phế quản khi:

  • Nghẹt mũi, sổ mũi.
  • Trẻ ho, thường về đêm hoặc sáng.
  • Đau ngực: hay gặp ở trẻ lớn, cảm giác đau sau xương ức đâu tăng sau mỗi cơn ho.
  • Sốt: Có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ cũng có trường hợp không sốt, thường trẻ sốt 38- 39 độ C.
  • Đau mỏi người, nôn, bú kém (với trẻ còn bú mẹ).

Khi phát hiện có các triệu chứng trên cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trẻ bị viêm phế quản cấp nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm: Viêm phổi, xẹp phổi, suy hô hấp, viêm phế quản mạn tính, gia tăng nguy cơ hen phế quản, thậm chí có thể tử vong.

3. Các thuốc dùng trong trị viêm phế quản cấp

Các thuốc dùng trong điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ bao gồm:

3.1. Thuốc hạ sốt

Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt an toàn thường dùng là paracetamol liều 10-15mg/kg/lần cứ mỗi 4-6 giờ. Lưu ý không dùng quá 6 lần/ngày. Ngoài ra có thể dùng ibuprofen để hạ sốt cho trẻ. Tuy nhiên, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

3.2. Thuốc kháng viêm

Thuốc kháng viêm chứa corticoid có tác dụng nhanh chóng với viêm phế quản dị ứng nhưng không có khuyến cáo cho các thể viêm phế quản do nấm, vi khuẩn và virus vì có nguy cơ tăng nặng bệnh. Lưu ý, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ.

3.3. Thuốc long đờm

Các thuốc long đờm, tiêu đờm, dịch nhầy tại phế quản, giúp thông thoáng đường thở. Các thuốc có thể được dùng như ambroxol, acetylcystein, carbocystein… Tuy nhiên, chỉ dùng khi có chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.

Trẻ bị viêm phế quản cấp nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm: Viêm phổi, xẹp phổi, suy hô hấp, viêm phế quản mạn tính, gia tăng nguy cơ hen phế quản, thậm chí có thể tử vong.

3.4. Thuốc giãn phế quản

Có thể dùng thuốc giãn phế quản nếu trẻ có tiếng thở ran rít nhiều. Những loại thuốc này làm giãn phế quản và tiểu phế quản, giảm sức cản trong đường hô hấp và tăng luồng khí đến phổi và tăng oxy đến phổi.

Các thuốc này bao gồm albuterol, metaproterenol, levalbuterol, và pirbuterol. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm tăng nhịp tim hoặc đánh trống ngực, run tay chân, đau bụng, co cứng cơ, đau đầu, buồn nôn và nôn.

3.5. Bổ sung nước và điện giải

Nên cho trẻ uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày hoặc hơn) để làm loãng dịch nhày trong phế quản. Có thể cho trẻ uống nước hoa quả, sinh tố. Ngoài ra, ở trẻ sốt cao nên cho trẻ uống dung dịch oresol để tránh mất nước và chất điện giải. 

Nên đọc kỹ hướng dẫn khi sử dụng hoặc pha oresol theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

3.6. Thuốc kháng sinh

Không cần thiết phải dùng kháng sinh trong phần lớn các trường hợp viêm phế quản. Tuy nhiên, kháng sinh có thể được kê đơn nếu trẻ bị nhiễm khuẩn. Việc xác định trẻ có nhiễm khuẩn hay không cần được xác định sau khi được thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Các thuốc kháng sinh có thể được dùng: Amoxicillin, penicillin, ampicillin, beta lactam, macrolide, quinolone…

Tùy từng mức độ nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh hợp lý cho trẻ.

photo-1666149659624

Nhiều bậc cha mẹ cứ thấy con sốt, ho… là cho uống siro.

4. Những sai lầm dễ gặp khi điều trị viêm phế quản cấp cho trẻ

4.1. Tự ý dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm phế quản cho trẻ

Nhiều bậc cha mẹ, cứ thấy con ho, sốt, đau rát họng… là cho rằng viêm phế quản, nên tự ý mua kháng sinh về cho con uống mà không cần sự thăm khám của bác sĩ.

 "Bệnh nào thuốc nấy". Thuốc kháng sinh cũng vậy, chỉ có tác dụng khi nguyên nhân gây ra là do vi khuẩn. Với các bệnh có nguyên nhân do virus thì kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng. Trong khi đó, viêm phế quản đa phần có nguyên nhân là do virus. Do đó, việc dùng kháng sinh không chữa được bệnh mà có thể làm bệnh nặng lên, nguy hiểm hơn là góp phần gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh.

4.2. Dùng lại đơn thuốc cũ

Do tâm lý ngại đi khám, nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có biểu hiện, ho, sốt, sổ mũi "giống" lần ốm trước, nên đã dùng ngay lại đơn thuốc cũ. Kết quả là trẻ uống thuốc nhưng bệnh không khỏi, thậm chí bệnh còn có nguy cơ chuyển nặng hơn. Không những thế, việc dùng lại đơn thuốc cũ còn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

Nguyên nhân là do các triệu chứng bệnh có thể là giống nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh lại khác nhau. Với mỗi nguyên nhân gây bệnh, mỗi tình trạng bệnh lại có loại thuốc, một phác đồ điều trị khác nhau.

4.3. Tự ý tăng liều thuốc

Thấy con sốt, mệt mỏi, ho… nhiều bậc cha mẹ mong muốn cho nhanh khỏi bệnh đã tự ý tăng liều thuốc. Điều này làm cho bệnh không khỏi nhanh mà còn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ.

 Việc tăng liều thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm không thể lường trước, làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Gan và thận là cơ quan dễ bị tổn thương nhất. Tăng liều thuốc không có chỉ định của bác sĩ có thể gây suy hô hấp, tử vong...

4.4. Dùng thuốc không hết đơn

Nhiều cha mẹ đã không cho trẻ uống hết đơn thuốc khi thấy các triệu chứng viêm phế quản giảm chỉ sau 2-3 ngày uống thuốc. Trong khi đó, thông thường, điều trị viêm phế quản cần dùng thuốc trong khoảng 7 ngày hoặc lâu hơn tùy vào từng mức độ bệnh. Việc dùng thuốc không hết đơn có thể khiến các triệu chứng nhanh chóng quay trở lại, khiến cho bệnh càng nặng hơn và việc điều trị phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn.

4.5. Dùng thuốc kháng viêm corticoid kéo dài

Một số cha mẹ thấy con cứ ho sốt chảy mũi là mua thuốc kháng viêm có chứa corticoid dạng siro (như daleston D, colergis) cho con uống. Có trẻ uống kéo dài đến cả tháng. Hậu quả là trẻ bị ức chế miễn dịch kéo dài, làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ. Đáng thương hơn một số trẻ còn bị suy tuyến thượng do dùng thuốc chống viêm kéo dài.

5. Làm sao dùng thuốc an toàn?

Để dùng thuốc an toàn, hiệu quả cần lưu ý:

- Khi có dấu hiệu của bệnh viêm phế quản, nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.

- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

- Tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Khi dùng thuốc nếu thấy trẻ có bất kỳ một triệu chứng bất thường nào, cần trao đổi với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Từ năm 2026- Sẽ có vaccine tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí.

BS. Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến của bạn