5 sai lầm khi giải rượu ngày Tết nhiều người mắc phải

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên

Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai

16-01-2017 10:14 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, có rất nhiều sai lầm mọi người hay mắc phải khi giải rượu cho người uống rượu say. Điều này dễ gây hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng.

Lũ lượt nhập viện vì ngộ độc rượu

Thời điểm này, tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện ngộ độc rượu do ethanol và methanol (cồn công nghiệp). Theo ThS. Nguyên, vào dịp trước và sau Tết, ngộ độc rượu cấp tính thường tăng nhiều so với các thời điểm khác trong năm. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận…

Đáng lo, với bệnh nhân ngộ độc rượu do methanol nguy hiểm hơn rất nhiều, có thể ảnh hưởng đến thần kinh, não, máu, tim mạch, huyết áp, thận… rất dễ dẫn đến tử vong. Nếu may mắn giải độc kịp thời vẫn có thể để lại di chứng ở não bộ...

ThS.BS Nguyễn Trung NguyênThS.BS Nguyễn Trung Nguyên.

Uống nước chanh

Một trong những sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải nhất là cho người say rượu uống nước chanh hoặc các đồ uống chua. Tuy nhiên, theo ThS. Nguyên, nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với nước uống chua dễ gây nôn thêm, tổn thương dạ dày do có axit.

Do vậy, thay vì uống nước chanh thì nên cho người say uống các đồ uống có đường, muối như nước đường, mật ong, nước canh…

Gây nôn

Bên cạnh việc không nên cho người say rượu uống nước chanh thì việc gây nôn cũng cần phải lưu ý. Theo ThS. Nguyên, trường hợp người uống rượu xong vẫn tỉnh táo, nói chuyện được bình thường có thể gây nôn nhưng trong tình trạng không tỉnh mà cố gây nôn sẽ rất nguy hiểm.

say rượuUống rượu "quá chén" gây nhiều nguy hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

"Việc cố ép gây nôn dễ sặc, chất nôn nhiều có thể bị tràn vào phổi dễ gây viêm phổi. Ngoài ra, sau khi uống rượu cũng không nên đi ra ngoài đường ngay, nhất là trong thời tiết lạnh dễ làm giãn mạch, hạ thân nhiệt nhanh..."- vị bác sĩ này cho hay.

Lạm dụng sản phẩm bổ gan, giải độc rượu

Ngày Tết, nhiều người dễ uống rượu quá chén, điều này gây rất nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Bởi vậy, ThS. Nguyên khuyến cáo, người dân cần tiết chế, điều độ không nên uống nhiều rượu. Không nên uống nhiều loại rượu cùng một lúc. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt... sau vài tiếng uống rượu, người dân cần tới bệnh viện khám ngay.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mọi người không nên cố săn lùng những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không có một loại thuốc giải độc nào chống được say rượu chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. Các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường chứ không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu khi uống vào tỉnh trở lại là không có.

giải rượuẢnh minh họa.

Uống thuốc giảm đau đầu

Trước thực tế không ít người có thói quen uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, ThS. Nguyên cho biết, điều này dễ có hại cho gan. Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.

Ngoài ra, khi say cũng lưu ý không uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.

Khuyến cáo từ bác sĩ

ThS. Nguyên khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tác dụng phụ của rượu, khi uống rượu mọi người cần ăn uống đầy đủ. Người có bệnh về gan mật, huyết áp, tim... cần thận trọng khi uống rượu. Theo khuyến cáo, với nam giới lượng rượu nên uống một ngày không quá 50 ml loại rượu 39 – 40 độ, bia không quá 400ml. Còn nữ giới lượng chỉ bằng ½ của nam giới.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, cần phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và nằm nghiêng sang một bên. Tốt nhất là nằm nghiêng sang bên phải có tác dụng dẫn lưu đờm giãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân nôn. Tư thế này còn gọi là tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết.

Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng không biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... cần phải đưa tới bệnh viện khám. Với cả hai trường hợp chúng ta phải ủ ấm cho bệnh nhân, đặc biệt là trời rét. Tuyệt đối không cho người bệnh tự điều khiển xe cộ hay lao động… dễ gây ra các tai nạn đáng tiếc.


Dương Hải
Ý kiến của bạn