5 sai lầm dùng thuốc khiến viêm mũi họng nặng hơn

25-07-2022 17:14 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe mũi họng tưởng chừng rất đơn giản, nhưng có nhiều sai lầm gây tổn hại làm viêm mũi họng nặng hơn, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc.

1. Rửa mũi, xịt mũi, nhỏ mũi thường xuyên

Nhiều người nghĩ sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng thường xuyên sẽ giúp tránh viêm nhiễm mũi họng. Tuy nhiên, niêm mạc mũi được phủ bởi lớp nhầy, có tác dụng bảo vệ mũi, giữ ẩm và giữ bụi.

Việc thường xuyên xịt rửa mỗi ngày bằng nước muối sinh lý - dù mũi không bị bệnh thì không những không đem lại lợi ích gì mà còn có hại thêm. Xịt rửa mũi thường xuyên làm tổn thương lớp chất nhầy bảo vệ mũi.

Ngoài ra, nhiệt độ của nước rửa mũi cũng ảnh hưởng tới mũi. Nếu nước rửa quá lạnh có thể gây co mạch máu, giảm miễn dịch tại chỗ, rối loạn chức năng vòi nhĩ và có thể dẫn tới viêm tai giữa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ do vòi nhĩ nằm ngang và ngắn hơn người lớn là đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Việc xịt quá thường xuyên dạng phun sương vào mũi sai kỹ thuật lâu dài có thể dẫn đến tổn thương vách mũi.

Do đó, chỉ thực hiện vệ sinh mũi khi bị bệnh viêm hô hấp, theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, ngày bình thường không nên nhỏ mũi hay xịt mũi.

5 sai lầm dùng thuốc khiến viêm mũi họng nặng hơn - Ảnh 1.

Nước muối tự pha có thể không đạt đúng nồng độ để vệ sinh mũi họng.

2. Lạm dụng thuốc chống nghẹt mũi

Trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm thuốc không kê toa có tác dụng chống tắc mũi, cả dạng nhỏ giọt, dạng xịt và dạng uống. Chúng thường xuyên được mua bán cho những bệnh nhân bị cảm, viêm mũi…

Các thuốc này làm giảm sự tắc nghẽn do sưng nề mô mềm ở trong mũi, giúp cho luồng không khí ra vào được ở cả 2 bên mũi một cách dễ dàng hơn. Thuốc xịt chống nghẹt mũi nếu dùng thời gian lâu dẫn đến phụ thuộc thuốc và phản ứng dội ngược (nghĩa là chứng nghẹt mũi tái lại và tệ hơn ban đầu sau khi ngưng thuốc), trong khi đó thuốc chống nghẹt mũi dạng uống lại có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp. Không dùng thuốc này cho trẻ nhỏ.

3. Lạm dụng khí dung chữa viêm mũi họng

Khí dung là phương pháp đưa thuốc vào trong phế quản dưới dạng các hạt sương li ti, chủ yếu để điều trị chứng khò khè, co thắt phế quản trong bệnh suyễn, hoặc chống viêm trong bệnh viêm thanh khí phế quản cấp trẻ em. Không có chỉ định khí dung khi trẻ bị viêm hô hấp đơn thuần.

Tuy nhiên nhiều cha mẹ cho rằng, khí dung bằng nước muối sinh lý sẽ làm loãng nhầy mũi, giúp thông mũi… Do đó, hễ trẻ bị cảm ho sổ mũi là lại cho trẻ khí dung. Điều này là hoàn toàn không cần thiết và lợi ích chưa được chứng minh.

Nhiều người khí dung bằng nước muối kèm theo các thuốc như kháng sinh (gentamycin), kháng viêm (hydrocortisol) hay thuốc giãn phế quản (ventolin) khi trẻ ho, sổ mũi mà không theo chỉ định của bác sĩ. Điều đó làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc, sự đề kháng kháng sinh, giảm tác dụng của thuốc giãn phế quản khi thật sự trẻ lên cơn khò khè khó thở.

4. Lạm dụng dung dịch sát trùng họng - miệng

Các dung dịch được quảng cáo có tính sát trùng họng, tạo hơi thở thơm mát… rất được ưa chuộng vì người ta nghĩ rằng nếu súc họng thường xuyên bằng các dung dịch này sẽ giúp sát trùng, hơi thở thơm tho…

Tuy nhiên đa số các dung dịch có hương thơm và vị cay mát là dung dịch có độ cồn cao, và không phù hợp với sinh lý niêm mạc họng, miệng. Việc súc họng nhiều lần một ngày với những thứ dung dịch này lâu dài dẫn đến những biến đổi mạn tính của niêm mạc, có thể có liên quan với sự gia tăng nguy cơ ung thư tại chỗ.

Khi có chỉ định vệ sinh họng bằng các dung dịch sát trùng để điều trị chứng viêm tại chỗ, một nhầm lẫn hay gặp đó là nhiều người lại súc miệng, nghĩa là chỉ ngậm và di chuyển dung dịch trong khoang miệng, từ bên này sang bên kia sau đó nhổ ra ngoài mà không thực hiện động tác ngửa cổ kêu a..a..a. Động tác này mới là động tác vệ sinh và sát trùng khoang họng.

5. Tự pha nước muối tại nhà để vệ sinh mũi họng

Nước muối sinh lý thường xuyên được các bác sĩ kê để bệnh nhân vệ sinh mũi họng. Do tính chất sẵn có của muối ăn, nhiều người tự pha dung dịch nước muối để súc họng, vệ sinh mũi mỗi ngày. Chúng ta biết rằng, dung dịch nước muối được gọi là sinh lý với niêm mạc họng miệng, mũi là dung dịch có nồng độ 0.9%. Nghĩa là trong 100ml dung dịch đó chỉ có 0.9g muối mà thôi.

Trong khi đó nếu tự pha rất khó để đạt được nồng độ này, thường dung dịch tự pha mặn hơn rất nhiều nước muối sinh lý. Vì vậy, dung dịch tự pha không sinh lý nên không hề đem lại lợi ích gì, thậm chí gây tổn thương thêm cho niêm mạc.

Mời độc giả xem thêm video:

Đánh bay quầng thâm mắt tại nhà bằng 5 cách đơn giản

BSCK1. Trần Văn Công
Ý kiến của bạn