1. Dùng kháng sinh ngay để chữa ho cho trẻ
Khi trẻ bị ho, bố mẹ cho rằng bé bị viêm họng và sợ nếu không cho uống kháng sinh sẽ gây viêm phổi. Với tâm lý sốt ruột nên cha mẹ mua kháng sinh về cho bé uống ngay. Thế nhưng, tác nhân gây ho ở trẻ chủ yếu là virus. Việc phụ huynh tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh chữa ho sẽ không có lợi mà còn gây hại cho trẻ.
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân gây nhờn thuốc, kháng thuốc và cũng là nguyên nhân khiến trẻ ho, sổ mũi mãi không khỏi. Thậm chí trẻ dễ bị tái đi tái lại bệnh, tăng nguy cơ dị ứng...
Với virus gây bệnh mũi họng, chúng ta chỉ cần chăm sóc bé tốt ở nhà, tăng cường sức đề kháng, chuẩn bị thuốc hạ sốt phòng sẵn, chuẩn bị nước muối sinh lý và lọ thuốc nhỏ mũi thảo dược là đủ. Kháng sinh là phát minh vĩ đại của loài người nhưng kháng sinh không phải là thần dược và không phải lúc nào cũng tống vào cơ thể của trẻ được.
2. Sử dụng đơn thuốc cũ
Trên thực tế không ít phụ huynh tự ý sử dụng lại đơn thuốc cũ từ những đợt ốm trước, do ngại đi khám và cho rằng các triệu chứng đều giống nhau.
Đây là một sai lầm nguy hiểm, bởi lần ốm trước có thể là do nhiễm khuẩn cần phải dùng kháng sinh, nhưng lần sau chưa chắc đã phải. Chưa kể đến nếu lần trước đơn thuốc lạm dụng kê kháng sinh và cứ mỗi lần tái sử dụng đơn thuốc như vậy ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ. Đây thực sự là một thói quen rất xấu, khiến trẻ ốm kéo dài.
Thực tế cho thấy triệu chứng ho có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý, nguyên nhân và mức độ trầm trọng khác nhau. Ngoài ra, khi trẻ lớn hơn, loại thuốc và liều lượng cũng thay đổi. Đơn thuốc cũ không còn phù hợp, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ nếu điều trị sai bệnh.
3. Sử dụng thuốc trị ho bừa bãi
Khi thấy trẻ bị ho, đa phần phụ huynh sốt ruột muốn sử dụng thuốc ho để cắt cơn. Tuy nhiên, ho không phải là bệnh, mà là một phản xạ có lợi, giúp đẩy dị vật như đờm, vi khuẩn, virus hay đồ ăn bị sặc ra khỏi đường hô hấp.
Trong phần lớn trường hợp khi trẻ bị ho đều không cần sử dụng thuốc giảm ho. Thực tế lâm sàng không ít phụ huynh sau khi cho con đi khám bệnh, mặc dù bác sĩ không kê đơn nhưng vẫn tự y mua thuốc giảm ho, sổ mũi cho trẻ uống (do sốt ruột khi trẻ ho kéo dài, sổ mũi nhiều).
Bố mẹ cần nhớ, thuốc ho chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng ho tạm thời cho trẻ, chứ không điều trị nguyên nhân gây bệnh. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ho là cảm lạnh (hay viêm đường hô hấp – mà đa số là do virus gây nên). Trường hợp này cũng không cần thiết sử dụng thuốc ho, chỉ cần giữ ấm cho trẻ, cho uống nhiều nước hơn, nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ, trẻ sẽ khỏi bệnh.
Thực tế việc sử dụng thuốc hầu như không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho trẻ. Với ho cảm thông thường, trẻ chỉ cần được chăm sóc và vệ sinh mũi họng đúng cách, chỉ sau 1 tuần các triệu chứng ho sẽ giảm và hết. Nếu cho trẻ dùng thuốc ho, cũng cần thời gian đó triệu chứng ho mới giảm.
Chỉ dùng thuốc giảm ho khi tình trạng ho khiến trẻ quấy khóc, biếng ăn, ảnh hưởng đến giấc ngủ… Điều quan trọng là dùng thuốc ho sau khi đã được bác sĩ chuyên khoa nhi khám và chỉ định dùng thuốc.
4. Tự ý ngưng thuốc
Sau khi khám bệnh, tuỳ theo tình trạng, cơ địa của trẻ mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng. Nếu trẻ phải dùng kháng sinh, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 1-2 tuần để có thể điều trị dứt điểm tình trạng ho.
Tuy nhiên, tâm lý nhiều bố mẹ không muốn cho con sử dụng thuốc lâu dài vì sợ không tốt, nên sau khi uống thuốc được mấy ngày thấy triệu chứng ho, sốt của trẻ thuyên giảm liền tự ý ngừng thuốc. Sai lầm này của bố mẹ có thể làm bệnh của trẻ trở nên nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng hơn, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc.
5. Ủ ấm quá kỹ cho bé
Nhiều bố mẹ có quan niệm ho là do trẻ nhiễm lạnh, nên khi thấy trẻ ho bố mẹ kiêng tắm, cho mặc nhiều quần áo, không cho trẻ ra ngoài… Tuy nhiên, việc ủ ấm quá kỹ cho trẻ lại khiến tình trạng ho nặng hơn. Bố mẹ không nên cho trẻ mặc ấm quá và nhốt trẻ trong phòng kín.
Nếu trẻ ho kèm sốt, nên mặc đồ thoáng mát cho trẻ để nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh. Không để trẻ ở nơi gió lùa nhưng cần mở cửa sổ thông thoáng để trao đổi không khí. Vẫn có thể tắm vệ sinh cơ thể cho trẻ, nhưng cần tắm với nước ấm và nhanh, tránh trẻ bị nhiễm lạnh là đủ.
Viêm tai giữa cấp - Triệu chứng và phương pháp điều trị