Hà Nội

5 phát minh y học hứa hẹn được ứng dụng trong năm 2012

20-12-2011 15:07 | Thời sự
google news

Nhân dịp nhân loại bước sang năm mới, tạp chí y học Medcity của Mỹ giới thiệu một số phát minh y học tiêu biểu trong năm 2012.

Nhân dịp nhân loại bước sang năm mới, tạp chí y học Medcity của Mỹ giới thiệu một số phát minh y học tiêu biểu trong năm 2012. Theo Medcity, đây là những phát minh hứa hẹn mang lại nhiều điều tốt lành trong lĩnh vực điều trị bệnh cho con người trong tương lai gần.

Thuốc chữa bệnh sốt rét mới

Sốt rét là căn bệnh có từ lâu đời, để lại nhiều hậu quả nguy hiểm cho con người và tuy đã được kiểm soát trong nhiều thập kỷ nhưng hiện nay, ở nhiều nơi, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á, căn bệnh này vẫn hoành hành, làm gia tăng bệnh thận, bệnh động kinh, tổn thương thần kinh vĩnh viễn, hôn mê và dẫn đến tử vong. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2009, cả thế giới có trên 225 triệu người bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét và trên 800.000 người tử vong, đặc biệt là tại khu vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Để tìm ra loại thuốc mới, các chuyên gia quốc tế ở Viện Di truyền thuộc Quỹ nghiên cứu Norartis (GNF) và Viện nghiên cứu Script vừa tìm ra một nhóm các hoá chất mới, tiền đề để sản xuất một thế hệ thuốc chống sốt rét mới có tác dụng cao hơn thế hệ cũ. Có tác dụng chống lại ký sinh trùng sốt rét ở cả trong máu lẫn trong gan chứ không chỉ riêng trong máu, thuốc không gây ra những tác dụng phụ ở gan như thuốc hiện nay đang sử dụng. Loại thuốc này nhắm vào ký sinh trùng Polasmodium parasites, được sản xuất từ tập hợp hoá chất có tên là imidazolopiperazine và không liên quan đến các loại thuốc chống sốt rét hiện có nên không sợ bị kháng thuốc (hình 1).

Ra đời hệ thống nội soi mới

Dự kiến ngay trong năm 2012, hãng sản xuất dụng cụ y học TransEnterix North Caroline, Mỹ sẽ cho ra đời hệ thống nội soi mới có độ mở rộng giống như một chiếc ô bên trong cơ thể người bệnh thông qua một đường vào là một vết rạch nhỏ ở rốn. Hệ thống nội soi nói trên cung cấp cho bác sĩ phẫu thuật hai kênh di chuyển linh hoạt sang trái hay sang phải ở góc di chuyển rộng tới 360oC kèm theo 2 rãnh cứng lắp camera và các thiết bị đo lường khác giúp bác sĩ nhìn rõ cấu trúc bên trong một cách thuận lợi (hình 2).

Ống thông tim bằng rôbốt

Ống thông tim bằng rôbốt (Robobtic Heart Catheter) là hệ thống ống thông tim mới nhất do hãng Hansen Medical Inc. của Mỹ nghiên cứu, chế tạo, đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Hệ thống này có tên là Sensei X Robotic System, sử dụng công nghệ rôbốt Sensei X mới nhất dùng cho những bệnh nhân có thất nhịp tim nhanh (VT) hay nhịp nhanh thất. Thực chất đây là hệ thống được thiết kế để đơn giản hoá và tăng cường quá trình chuyển hướng ống thông cho các bệnh nhân VT. Ngoài ra, nhờ hệ thống nói trên còn cho phép bác sĩ phẫu thuật từ xa các hướng dẫn về thông tin dựa trên màn hình 3D. Qua thử nghiệm ở 200 bệnh nhân tại Bệnh viện St. Mary’s hospital ở Anh và 8 bệnh viện khác ở châu Âu cho thấy kết quả tốt(hình 3).

Kỹ thuật quấn lại dạ dày

Kỹ thuật quấn lại dạ dày (Gastric Plication) hay còn gọi là gấp dạ dày để thu nhỏ dạ dày nhằm chữa bệnh béo phì, giảm cân. Kỹ thuật nói trên có thể làm giảm tới 80% dung tích dạ dày và kết quả làm cho người bệnh cảm thấy no, không ăn nhiều nữa. Đây là phương pháp phẫu thuật nội soi, sử dụng một camera hình ảnh để quan sát và có các thiết bị tác nghiệp được đưa qua các lỗ liên thông từ bên ngoài. Bằng kỹ thuật nói trên, người ta có thể “gấp” dạ dày ở một hay nhiều vị trí khác nhau, thu nhỏ thể tích dạ dày từ 70-80%. Thời gian mỗi ca phẫu thuật kéo dài 1-2 giờ và sẽ bình phục trong vòng 1-2 ngày sau phẫu thuật. Tuỳ thuộc vào trọng lượng cơ thể mà những người sau khi phẫu thuật có thể giảm được 40-70% trọng lượng trong năm đầu tiên sau phẫu thuật. Ngoài ra còn giảm được khoảng 70% biến chứng từ béo phì gây ra như bệnh tiểu đường,  huyết áp cao, ngạt thở khi ngủ hay mỡ máu cao (cholesterol) hoặc các loại bệnh liên quan đến xương khớp(hình 4).

Tế bào gốc MyoCell trị bệnh suy tim

Ngay trong năm 2012, hãng BioHeart ở Florida sẽ đưa ra thị trường một sản phẩm mới dùng cho điều trị bệnh tim, đó là tế bào gốc có tên là MyoCell. MyoCell có tác dụng cải thiện chức năng cho tim trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi người bệnh bị tổn thương do cơn đau tim gây ra.
 
Thủ tục này được thực hiện như sau: Bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ cơ bắp từ đùi của người bệnh, các tế bào gốc cơ bắp sau đó sẽ được xử lý nuôi trồng theo công nghệ bản quyền của hãng Biotteart và bơm trực tiếp vào các mô khuyết tật của người bệnh để nó chữa lành vết thương nhờ một kim tiêm chuyên dụng. Tế bào MyoCell hiện đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong một chương trình có tên là MARVE Trial ở 330 bệnh nhân đau tim tại Bắc Mỹ và châu Âu từ năm 2001 với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới trên 100 triệu USD (hình 5).

       KHẮC NAM  (Theo Medcity,12/2011)


Ý kiến của bạn