Ung thư - một nỗi ám ảnh khiến con người khiếp sợ. Căn bệnh mà hầu như không cách nào chặn lại một khi nó đã lan ra (di căn). Dù thế nhưng các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm kiếm các phương pháp để chiến đấu với căn bệnh này.
1. Dùng tế bào ung thư để diệt ung thư
Một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ đã có một khám phá gây kinh ngạc: dùng kháng thể để trị các tế bào ung thư bạch cầu cấp dạng tủy. Họ đã kiểm soát được các tế bào ác tính vượt xa mong đợi. Không chỉ làm cho các tế bào này trở thành các nhánh tế bào có lợi nâng đỡ cho hệ thống miễn dịch của cơ thể, mà họ còn tiến xa hơn một bước trong việc phát triển các tế bào này tương tự cấu trúc của kháng thể để diệt tế bào ung thư.
Các nhà khoa học rất đỗi kinh ngạc khi quan sát thấy những dạng mới của tế bào này bắt đầu tấn công trở lại đồng đội trước đây của chúng, với con số khiêm tốn là khoảng 15% xung quanh tế bào bạch cầu. Những tế bào mới này chỉ diệt đồng bọn, tấn công vào đúng những tế bào tiền thân của chúng (tế bào ung thư).
Nhóm các nhà nghiên cứu này đã có cuộc hội thảo với các công ty dược nhằm đem cách trị liệu này ứng dụng trên người sau khi nghiên cứu kỹ các độc tính tương thích.
2. Dầu olive giúp trị ung thư
Từ lúc được phát hiện, dầu olive cho thấy được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, được sử dụng trong ăn uống, tốt cho tóc, tốt cho da... Thế nhưng món dầu được ưa chuộng này còn có thể diệt tế bào ung thư.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết: Oleocanthan là một hợp chất phenolic nguyên thủy của dầu olive lúc chưa khai thác có khả năng diệt trung tâm tế bào ung thư, gây rối loạn và diệt tế bào ung thư trong vòng từ 30 - 60 phút, trong khi các tế bào khỏe mạnh vẫn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, lợi ích của việc sử dụng dầu olive để điều trị ung thư mới chỉ được chứng minh trên mô hình các tế bào cấy với tế bào của chuột.
Dầu olive đã được các nhà khoa học Mỹ chứng minh có thể diệt tế bào ung thư.
3. Hệ thống miễn dịch của cơ thể
Miễn dịch trị liệu là dùng chính hệ thống miễn dịch của cơ thể để điều trị. Để thực hiện phương pháp này, các nhà khoa học cũng e ngại vì làm rối loạn hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Dù vậy, theo các nhà nghiên cứu ở Trường đại học y khoa Maryland (Mỹ) thì đây là một tín hiệu chiến thắng trong trận chiến chống ung thư của năm qua, 70% bệnh nhân bị đa u tủy khi được điều trị theo phương pháp này đã có đáp ứng tích cực trên lâm sàng, đây là một giải pháp đầy hứa hẹn. Họ thiết kế tế bào T chứa thụ thể của kháng nguyên khối u, đặt vào bệnh nhân đang mắc khối u di căn, chúng truy tìm dấu vết, bắt lấy và diệt tế bào ung thư.
Nghiên cứu này với quy mô nhỏ nhưng rất có ý nghĩa cho cộng đồng y học, chưa thấy một tác dụng phụ đáng kể nào được báo cáo trên những bệnh nhân được thử nghiệm. Điều này mang ý nghĩa không những điều trị mà còn ít gây nguy cơ đối với sức khỏe. Các nhà nghiên cứu cho biết, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi phương pháp miễn dịch trị liệu này được áp dụng.
4. Ghép tế bào gốc điều trị ung thư
Layla Richard - một bé gái (ở Mỹ) chưa đầy 1 tuổi bị bệnh bạch cầu, là bệnh nhân đầu tiên nhận phương pháp điều trị mới này, đã cho thấy rất thành công. Cha mẹ của Layla cho biết con họ bị bệnh bạch cầu giai đoạn xâm lấn nghiêm trọng, qua mấy đợt điều trị, hầu như không có cách điều trị nào mà con họ chưa trải qua. Điều này dẫn đến họ đồng ý để cho các bác sĩ thử nghiệm phương pháp điều trị mới mà trước đây chưa từng áp dụng để điều trị ngoài phòng thí nghiệm.
Các nhà nghiên cứu khoa học đã lấy tế bào T từ ngân hàng tế bào gốc dùng để nhận dạng và điều trị ung thư giai đoạn cuối. Họ đã mang đến cho Layla một cơ hội để sống sót và qua cuộc điều trị, họ đã nhận ra cách này trước giờ chỉ thành công khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nay đã có hiệu quả với cô bé. Các bác sĩ cho biết, sự đáp ứng trong điều trị của Layla là một điều kỳ diệu. Cô bé không còn bị bạch cầu và đã có thể xuất viện về nhà sau một cuộc cấy ghép xương, tủy. Đây là một cuộc thử nghiệm thành công trên người và ca điều trị cho Layla là một bước tiến dài trong cách điều trị mới.
5. Sốt rét - Tác nhân diệt ung thư
Sốt rét được biết như là một căn bệnh truyền nhiễm, lây lan qua đường máu với tác nhân gây bệnh là muỗi. Dù vậy, một nhóm các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã có một khám phá khác thường, nhận ra lĩnh vực diệt khối u của ký sinh trùng sốt rét. Ký sinh trùng sốt rét đặc biệt nguy hiểm đối với các bà mẹ mang thai vì chúng có thể tấn công vào nhau thai. Các nhà nghiên cứu đã quan sát tính chất tương tự khi chúng tấn công vào khối u. Điều này dẫn đến họ sử dụng protein của ký sinh trùng sốt rét để diệt ung thư.
Cách áp dụng tưởng như chết người này lại mang đến hơn 90% hiệu quả khi thử nghiệm với nhiều mẫu tế bào ung thư khác nhau và đã thành công khi được thử nghiệm trên chuột. Các nhà nghiên cứu có giải thích, protein của ký sinh trùng sốt rét chỉ diệt khối u và chưa có dấu hiệu nào cho thấy chúng tấn công các tế bào lành mạnh khác. Sẽ mất vài năm nữa để thử nghiệm này có thể được áp dụng trên người, nhưng các nhà khoa học đầy hy vọng, cho đây là một bước tiến lớn trong điều trị ung thư.