Luật Đấu thầu (sửa đổi) tháo gỡ cho ngành y
Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 với 10 chương, 96 điều quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, đã bổ sung hàng loạt nội dung liên quan đến việc đấu thầu của ngành y tế và dành riêng chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Bên cạnh việc điều chỉnh 8 hình thức trong luật trước đây như: Đấu thầu tập trung, chỉ định giá, đàm phán giá, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt… thì lần này Luật còn mở rộng thêm 2 hình thức (Đấu thầu ngược và mua sắm trực tuyến) cho các đơn vị. Hay Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 cũng phân định rõ các tình huống cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa… cũng như quy định rõ những nội dung hình thức nào phải đấu thầu hay mua sắm theo các hình thức khác.
Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, tập trung vào 05 nhóm tiêu chí cơ bản:
Thứ nhất là các quy định nhằm xác định rõ đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại trong Luật đấu thầu trước đây.
Thứ hai là đơn giản hóa các quyết định thủ tục sát với tình hình hiện nay. Dù rằng, trước đây công tác đấu thầu đã tiếp cận được những tiêu chí quốc tế, nhưng hiện nay vẫn tiếp tục cải cách, tiếp tục cắt giảm thời gian đấu thầu các cách giảm các khâu trung gian đẩy mạnh hình thức đấu thầu qua mạng, để tiến tới việc chuyển đổi số.
Thứ ba là nhóm chính sách nhằm ưu tiên, ưu đãi đối với các hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm đổi mới sáng tạo và các kỹ thuật để thay thế hàng nhập khẩu, thuốc đạt chứng nhận WHO-GMP.
Thứ tư là nhóm chính sách đưa ra để nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong ngành y tế trong đấu thầu của ngành y tế mà thời gian qua đã gặp phải.
Thứ năm, nhằm nâng cao về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu quản lý, phòng chống tham nhũng được quy định cụ thể trong luật đấu thầu sửa đổi 2023 và Bộ Luật Hình Sự 2015.
Theo đó, quy định các trách nhiệm của từng bên khi tham gia đấu thầu, trách nhiệm của người có thẩm quyền, của chủ đầu tư, nhà thầu khi tham gia hoạt động đấu thầu. Những điều được làm và không được làm. Nghiêm cấm hành vi "cài cắm" tạo điều kiện cho một đơn vị nào đó, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.
Được đàm phán giá trong trường hợp nào?
Tại Điều 28 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 quy định việc "đàm phán giá được áp dụng đối với các gói thầu" gồm: mua biệt dược gốc sinh phẩm tham chiếu; mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ còn 1 hoặc 2 hãng sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc áp dụng hình thức đàm phán giá, ban hành danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá.
Về "lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt" tại Điều 29 quy định, việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với các gói thầu không thể lựa chọn nhà thầu theo quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật này, bao gồm:
Gói thầu mua thuốc, vaccine trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh, bảo đảm và điều kiện khác trong quá trình thực hiện hợp đồng; Gói thầu mua thuốc, vaccine, thiết bị y tế thông qua các tổ chức quốc tế; Gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ; Lựa chọn luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước tại cơ quan tài phán nước ngoài hoặc quốc tế…
Thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn nhà thầu quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này…