1. Huyết áp thấp gây hậu quả gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), huyết áp thấp được xác định khi chỉ số huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) dưới 90mmHg, huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) dưới 60mmHg.
Huyết áp thấp dễ xảy ra với những người có thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, cơ thể bị suy nhược do làm việc quá sức, stress, mất ngủ...
Huyết áp thấp dẫn tới máu không cung cấp đủ cho sự hoạt động các cơ quan, đặc biệt là não nên có thể có các biểu hiện như: hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn...
Với người bệnh phải giảm cân vì mắc các bệnh lý tim mạch, béo phì, đái tháo đường; những bệnh nhân bị suy giảm hoạt động của tuyến giáp hoặc khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormone của tuyến giáp, sẽ có nguy cơ hạ huyết áp kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc, huyết áp thấp và rất mệt mỏi.
Theo các chuyên gia y tế, nếu người bệnh bị hạ huyết áp nhiều lần sẽ gây suy giảm chức năng của hệ thống thần kinh. Cơ thể cũng không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận, có thể dẫn đến các tổn thương tại cơ quan này.
Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Nguy hiểm hơn, huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…
2. Kiểm soát huyết áp thấp như thế nào?
Vì huyết áp thấp nếu không được kiểm soát có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nên các chuyên gia y tế khuyên người bệnh khi có dấu hiệu huyết áp thấp cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Khi nguyên nhân gây huyết áp thấp được điều trị ổn định thì tình trạng huyết áp thấp cũng sẽ hết. Nếu huyết áp thấp không rõ nguyên nhân, cần phải nhanh chóng đưa huyết áp về trạng thái bình thường sau đó duy trì để tránh tái phát cơn hạ huyết áp.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức. Về chế độ dinh dưỡng, nên ăn uống đủ chất. Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu đạm, vitamin C và các loại vitamin nhóm B. Có thể bổ sung thêm các đồ uống có chất kích thích như chè, cà phê sau bữa ăn để giúp tăng huyết áp.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, để có sức khỏe tốt, người có biểu hiện huyết áp thấp nên có chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, điều độ.
Trong bữa ăn cần đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: Chất bột đường (các loại ngũ cốc, hoa quả ); chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc, vừng..); chất béo (dầu, mỡ) các vitamin và khoáng chất (rau xanh và trái cây).
Ngoài 3 bữa ăn chính, nên có các bữa ăn phụ vào giữa sáng và giữa chiều, các bữa ăn phụ nên uống sữa, ăn sữa chua, ăn trái cây… Nên uống 400 - 500ml sữa mỗi ngày (sữa tươi, sữa hạt), ăn 1 -2 hộp sữa chua mỗi ngày để giúp hấp thu tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Không nên để bữa ăn quá xa nhau, nhất là không ăn sáng có thể hạ đường máu dẫn đến tụt huyết áp, có khi còn ngất xỉu.
3. Một số thực phẩm tốt cho người bị huyết áp thấp
3.1. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B12
Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu gây huyết áp thấp và mệt mỏi. Vì vậy, người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin B12 như: trứng, thịt, cá, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa...
3.2. Tăng cường thực phẩm giàu sắt
Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như: thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, rau đay, rau rền, quả lựu, táo…
3.3. Nên ăn thực phẩm giàu folate
Quá ít folate cũng có thể góp phần gây ra bệnh thiếu máu. Người bệnh nên ăn các thực phẩm giàu folate bao gồm: măng tây, đậu, trái cây họ cam quýt, rau xanh, trứng, gan…
3.4. Uống nhiều nước
Mất nước có thể làm giảm thể tích máu, khiến huyết áp giảm. Vì vậy, người bị huyết áp thấp cần được cung cấp đầy đủ nước, đảm bảo khoảng 2 lít/ngày. Đặc biệt trong trường hợp đang tập luyện hoặc làm việc ngoài trời nắng nóng nên bổ sung nước nhiều hơn để đề phòng cơ thể mất nước.
Lưu ý, người cao tuổi có thể dễ bị mất nước hơn do họ ít uống nước và ít có cảm giác khát. Vì vậy, người thân cần nhắc họ uống nước thường xuyên.
3.5. Thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine
Thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine có thể làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy cà phê chỉ làm tăng huyết áp tạm thời ở những người không uống thường xuyên.
Các loại thực phẩm và đồ uống khác có chứa caffeine bao gồm: sô cô la, trà, ca cao, một số loại nước ngọt và nước tăng lực.
Xem thêm video đang được quan tâm
Uống nước vối có hại thận, yếu sinh lý như lời đồn