Thuật ngữ “viêm loét hệ thống tiêu hóa” (peptic ulcer) dùng để diển tả một nhóm bệnh viêm nhiễm ở đường tiêu hóa trên (upper gastrointestinal tract). Đây là sự viêm loét ở hệ tiêu hóa trên, nơi mà lớp màng và lớp mô ở đó bị “ăn mòn” và tạo nên một vết thương. Có hai dạng loét hệ tiêu hóa phổ biến là loét tá tràng (duodenal ulcer) và loét bao tử (gastric ulcer). Sự khác nhau giữa hai dạng loét này là vị trí của chúng. Loét tá tràng xảy ra trong tá tràng (phần hẹp của ruột non nối với dạ dày) trong khi loét dạ dày xảy ra trong phần dạ dày.
Triệu chứng của ung loét là một cảm giác cháy bỏng, cồn cào và đau ở phần giữa xương ngực và rốn. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên kèm theo sự ợ nóng, buồn nôn, mất sự thèm ăn và khó tiêu. Cơn đau thường kéo dài khoãng 45 - 60 phút. Đau từ nhẹ đến nặng, đôi khi quằn quại và thường làm cho bệnh nhân mất ngủ. Những triệu chứng khác bao gồm: đau lưng, nhức đầu, cảm giác ngộp thở, ói mửa, đôi khi phân có máu.
Nguyên nhân gây viêm loét hệ thống tiêu hóa
Những yếu tố sau đây thường làm tăng sự tiết axít dạ dày và làm thay đổi hệ màng này ở hệ tiêu hóa.
Sử dụng dược phẩm: những thuốc thông thường nhất là aspirin và những thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Khi sử dụng lâu ngày, những dược phẩm này sẽ làm tăng sự tiết axít ở dạ dày. Ngoài ra những loại thuốc steroid dùng để trị viêm khớp cũng gây nên hiện tượng này. Những loại thuốc kháng axít đôi khi lại gây tác dụng ngược, thay vì trung hòa axít dạ dày, chúng lại gây phản ứng hồi ngược (rebound effects). Một thuốc kháng axít rất quen thuộc cần phải lưu ý là calcium carbonate. Sử dụng quá mức vitamin C cũng là một nguyên do lây viêm loét hệ thống tiêu hóa.
Nhiễm vi khuẩn: thủ phạm khét tiếng nhất là Helicobacter pylori. Loại vi khuẩn này chịu trách nhiệm khoảng 90% trường hợp loét dạ dày và khoảng 70% trường hợp loét tá tràng.
Sự nhạy cảm thực phẩm: sẽ gây ra một đáp ứng viêm và sẽ làm xói mòn màng nhầy dạ dày.
Khói thuốc: làm hủy hoại màng nhầy ruột, sự trào ngược muối mật do khói thuốc cũng sẽ làm kích ứng một cách “tàn bạo” tới dạ dày.
Căng thẳng, lo âu: làm gia tăng đáng kể sự sản xuất axít dạ dày.
DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (ĐH Dược Murdoch - Úc)
Mời xem tiếp bài 2: Cách tự nhiên trị loét đường tiêu hoá ra ngày 23/7/2015