Cá nóc xuất hiện nhiều tại đồng bằng sông Cửu Long vào mùa lũ. Dù ngành y tế đã có nhiều khuyến cáo về nguy cơ ngộ độc do ăn cá nóc nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người dân chủ quan ăn cá nóc. Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ hiện đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc cá nóc nặng.
Ngày 17/6, hai vợ chồng ông N.V.K (63 tuổi) và bà B.T.H (61 tuổi) ngụ ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được Bệnh viện Đa khoa Phụng Hiệp chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng tê toàn thân, vật vã, nôn ói. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn, sau đó bệnh nhân được dùng than hoạt tính để thải loại bớt chất độc, truyền dịch nhằm tăng cường sức đề kháng... Hiện tại, bà B.T.H đã tỉnh táo tiếp xúc tốt, nhưng ông N.V.K bị nặng hơn nên vẫn còn tê toàn thân, choáng, nôn ói kèm rung thất (do bệnh tim tiềm ẩn).
Bà H. cho biết, sáng 16/6 bà mua một cân cá nóc sông về làm sạch bỏ hết ruột, giữ lại phần gan cá, nấu lên cho cả nhà ăn. Sau bữa cơm có món cá nóc, 6 người trong nhà đều có biểu hiện run tay, run chân, run lưỡi, chóng mặt buồn nôn và có tới 5 người phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phụng Hiệp để điều trị. Tại đây vợ chồng ông K. bị nặng hơn nên phải chuyển lên tuyến trên còn lại 3 người con và cháu thì vẫn điều trị ở Phụng Hiệp.
Độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin, đây là một chất độc thần kinh, rất độc gây tử vong cao, với người chỉ cần ăn 10g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc và chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người. Độc tố Tetrodotoxin là chất không phải protein, tan trong nước, có tính bền vững và kháng nhiệt cao, chịu được nóng và độ khô mà không mất đi độc tính. Do đó, nếu phơi khô, chế biến đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7). Độc tố cá nóc không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên khi đánh bắt, chế biến hoặc cá để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi dùng.
Ngay khi có dấu hiệu đầu tiên: tê môi, tê tay (người bệnh vẫn còn tỉnh) thì gây nôn ngay bằng cách ngoáy thành sau họng, uống thuốc giải độc (than hoạt hoặc Sorbitol), đồng thời phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Để phòng tránh ngộ độc do sử dụng cá nóc, người dân nên lưu ý: Đối với ngư dân (người đánh bắt thủy sản) cần loại bỏ ngay cá nóc ra khỏi các loại cá khác khi kéo lưới hoặc thu gom cá tại bãi cá, không bán cá nóc và sản phẩm cá nóc. Với người chế biến cá, không phơi khô cá nóc lẫn cá thường để bán, không làm chả cá nóc để bán, không làm cá nóc đông lạnh hoặc với bất cứ hình thức nào để bán, loại bỏ cá nóc trước khi chế biến các sản phẩm từ cá. Với người buôn bán cá tuyệt đối không buôn, bán cá nóc, sản phẩm chế biến từ cá nóc, phải cam kết trước cơ quan quản lý về sản phẩm cá của mình là không có cá nóc. Để tránh ngộ độc, tốt nhất người tiêu dùng không nên ăn cá nóc với bất cứ hình thức nào.
Bác sĩ Mạnh Quang