Thời tiết nóng ẩm của mùa hè kèm theo các thói quen sinh hoạt như uống nhiều nước đá, tắm nước lạnh khi vừa đi ngoài trời nóng, sử dụng điều hòa nhiệt độ với nhiệt độ quá thấp, để quạt thốc vào mặt khi đi ngủ... dễ làm tổn thương niêm mạc họng gây viêm họng.
Khi bị viêm họng, khu vực yết hầu sẽ sưng đau, cổ họng có cảm giác đau rát, có thể tiết nhiều đờm dãi, người bệnh có cảm giác khó ăn, khó nuốt, muốn khạc nhổ khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày, thậm chí dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác. Trong thời gian này, hệ miễn dịch có khả năng phòng thủ thấp và dễ bị nhiễm trùng cơ hội gây một số bệnh khác. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là người bệnh viêm họng phải nhớ ăn uống đúng cách để tăng cường sức khỏe.
Theo ThS. BS. Lê Thị Hải - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa, khi bị viêm họng, bên cạnh việc dùng thuốc, giữ vệ sinh mũi họng, người bệnh viêm họng vào thời tiết mùa hè nên ăn những món ăn dễ nuốt như các món canh trơn mát, cháo, súp, sinh tố trái cây,... vừa dễ tiêu hóa lại cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp bệnh nhanh khỏi.
Một số loại thảo dược tự nhiên có tác dụng giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu của nhiễm trùng cổ họng và tăng tốc độ hồi phục. Dưới đây là một số biện pháp khắc phục đơn giản để áp dụng vào những ngày hè nếu bạn bị viêm họng.
1. Sát khuẩn họng bằng cỏ xạ hương, mật ong và chanh
Đây là một công thức rất đơn giản và hiệu quả để giảm các triệu chứng của viêm họng. Cỏ xạ hương có hiệu quả trong việc giảm đau họng. Điều này là do nó có đặc tính khử trùng, kháng sinh và kháng nấm.
Mật ong cũng rất hữu ích trong việc chữa bệnh, giảm viêm và làm dịu cổ họng. Theo ThS. BS. Lê Thị Hải, mật ong có chứa nhiều đặc tính chữa bệnh và chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus, đồng thời chứa chất chống oxy hóa. Nghiên cứu đã chứng minh rằng chất lỏng ngọt ngào này có thể giúp tình trạng viêm họng thuyên giảm.
Đặc tính của mật ong cũng làm cho nó trở thành một loại thuốc giảm ho hiệu quả. Kết hợp các thành phần này với nước chanh sẽ tạo ra hỗn hợp lý tưởng để uống trong ngày.
Cỏ xạ hương - thảo dược tốt giúp sát trùng cổ họng.
Cách làm:
Đun sôi một lít nước và thêm một nhúm cỏ xạ hương tươi hoặc 2 thìa cỏ xạ hương khô. Một quả chanh vắt lấy nước cốt, bỏ cả nước và vỏ chanh vào nước đun sôi trong 10 phút. Sau đó, để nguội trong 10 phút và lọc bỏ bã. Thêm vào hỗn hợp 2 thìa mật ong và chia nhỏ uống trong ngày.
2. Súc miệng với nước muối giúp giảm nhiễm trùng cổ họng
ThS. BS. Lê Thị Hải cho biết: Bất kỳ đồ uống ấm nào cũng có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Bản thân nước nóng ấm có tác dụng làm dịu và có thể giúp giảm đau họng, ho và sổ mũi.
Súc miệng bằng nước muối ấm có hiệu quả giúp làm dịu cơn đau họng và rút ngắn thời gian bệnh. Muối mang lại lợi ích giảm viêm, tiêu diệt virus và vi khuẩn. Để áp dụng biện pháp khắc phục này, bạn pha 1 thìa canh muối hạt (khoảng 9-10g) với 1 lít nước ấm để đạt được độ mặn vừa đủ như nước canh nhạt, cũng có thể thêm một thìa cà phê giấm táo hoặc muối nở (baking soda).
3. Nước tỏi giúp giảm các triệu chứng viêm họng
Tỏi là một trong những nguyên liệu tự nhiên phổ biến nhất để điều trị các tình trạng liên quan đến cảm lạnh và cảm cúm. Tỏi có đặc tính kháng sinh và có hiệu quả trong việc loại bỏ một số loại vi khuẩn, nấm và virus.
Cách làm:
Giã nát một củ tỏi và pha loãng với nửa cốc nước ấm để uống 2 lần mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng viêm họng biến mất hoàn toàn. Tuy loại nước này hơi khó uống và khiến hơi thở khó chịu nhưng hiệu quả cao.
4. Trà hoa cúc chống viêm họng hiệu quả
Hoa cúc La Mã là một trong những loại dược liệu lâu đời, nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, hoa cúc là một lựa chọn tốt để giảm bớt sự khó chịu liên quan đến nhiễm trùng cổ họng.
Theo ThS. Lê Thị Hải, trong các tài liệu nghiên cứu cho thấy hoa cúc có chứa nhiều chất oxy hóa, có khả năng hỗ trợ làm lành các vết thương, tổn thương hiệu quả. Ngoài ra, hoa cúc giúp cải thiện các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, buồn nôn nên khá phù hợp với những người bị đau họng do trào ngược dạ dày.
Trà hoa cúc giúp làm dịu các triệu chứng đau họng.
Cách làm:
Đun sôi khoảng 300ml nước và thả một ít hoa cúc khô vào, đợi một vài phút cho hoa nở căng. Uống ngày 2 lần, có thể thêm mật ong tùy thích.
5. Tinh bột nghệ và trà xanh
Một cách thay thế dễ dàng và hiệu quả khác là kết hợp các đặc tính của trà xanh và nghệ. Cả nghệ và trà xanh đều giàu các hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm và khử trùng, cùng nhiều hoạt chất chống oxy hóa khác.
Cách làm:
Hãm trà xanh hoặc đun sôi nhỏ lửa cho trà ngấm, thêm nửa thìa bột nghệ vào khuấy đều đến khi tan hết. Uống sau khi nguội kèm theo một chút mật ong nếu muốn.
Điều quan trọng là mọi người phải nghỉ ngơi nhiều hơn khi bị ốm. Đây là lúc cơ thể đang đối phó với tình trạng nhiễm trùng. Do đó, nghỉ ngơi là một cách rất tốt để lấy lại sức lực và cho phép hệ thống phòng thủ tự nhiên hoạt động. Hãy dành khoảng thời gian thích hợp để ngủ trưa và ngủ đủ giấc vào ban đêm.
Mặt khác, vệ sinh tốt cũng là điều cần thiết để ngăn ngừa vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nên rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, tránh tiếp xúc gần với những người khác trong gia đình.
Xem thêm video đang được quan tâm
6 cách giảm viêm họng tại nhà cực hiệu quả mà không cần dùng thuốc.