1. Cháo trứng gà, tía tô
Theo y học cổ truyền, lá tía tô có tính ấm, vị cay có khả năng chữa ho, cảm cúm, sốt, tăng đề kháng. Cháo trứng gà, tía tô là món ăn quen thuộc dễ làm cho người bệnh mắc COVID-19 điều trị tại nhà.
- Nguyên liệu: Gạo tẻ loại ngon 100g, một quả trứng gà ta, một củ gừng tươi, một nắm lá tía tô tươi, 3-5 nhánh hành hoa, hạt tiêu, gia vị... vừa đủ.
- Cách chế biến: Lá tía tô và hành hoa rửa sạch rồi thái nhỏ, gừng thái chỉ. Cho gạo vào nồi nấu thành cháo chín nhừ. Sau đó, lấy lòng đỏ trứng gà cho vào bát cháo nóng rồi đánh lên. Cho các gia vị tía tô, gừng, hành hoa vào nấu cùng, nêm gia vị vừa đủ.
Nên ăn cháo khi còn nóng để cơ thể toát mồ hôi. Sau đó dùng khăn mềm lau mồ hôi tránh để nhiễm gió lạnh.
2. Cháo gà giúp giảm ho, hạ sốt cho người bệnh F0 điều trị tại nhà
Cháo gà là bài thuốc giải cảm, hạ sốt quen thuộc trong dân gian, đặc biệt thích hợp để trị viêm họng, sổ mũi ở cả người lớn và trẻ em. Thịt gà chứa nhiều dinh dưỡng và các amino axit có tác dụng tăng sức đề kháng, kháng viêm, tiêu đờm, vị nóng ấm dễ ăn, giải cảm, hạ sốt tốt.
Khi bị COVID-19 với các biểu hiện ho, sốt, ớn lạnh… ăn cháo gà sẽ giúp người bệnh F0 điều trị tại nhà không bị đau rát cổ họng, cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn.
- Nguyên liệu: Thịt gà 100g, một nắm gạo tẻ, hành mùi, gia vị vừa đủ.
- Cách chế biến: Lấy gạo vo sạch rồi nấu thành cháo chín nhừ. Thịt gà rửa sạch, băm nhỏ rồi xào sơ với các gia vị. Cho thịt gà vào cháo, thêm hành, mùi, hạt tiêu. Nên ăn cháo gà khi còn nóng.
3. Cháo bí ngô
Bí ngô (bí đỏ) có tính ấm, giúp kiện tỳ vị, tiêu đờm, giảm đau, sát trùng, giải độc, đồng thời rất giàu vitamin, khoáng chất và các axit hữu cơ tốt cho cơ thể. Cháo bí ngô khi kết hợp với táo đỏ không chỉ thơm ngon bổ dưỡng mà còn là phương thuốc trị ho hiệu nghiệm, nhất là ho có đờm ở người mắc COVID-19.
Cách chế biến: Bí ngô cắt thành miếng nhỏ, cho vào nồi nấu cùng 500g táo đỏ, 200g đường đỏ cùng với nước vừa đủ. Nấu đến khi bí ngô chín nhừ thành cháo. Ăn khi cháo còn nóng.
Hoặc: Bí đỏ 100g, một nắm gạo tẻ. Gọt vỏ miếng bí đỏ, bỏ hạt, rửa sạch và cắt miếng mỏng cho vào nồi nấu. Sau đó vo nắm gạo tẻ cho vào nồi bí đang nấu. Nấu sôi và cho thêm nước đến khi cả gạo và bí chín nhừ. Nên dùng cháo khi còn nóng để tăng tác dụng giải cảm, trị ho cho người bệnh F0 điều trị tại nhà.
4. Cháo đậu xanh
Theo Đông y, đậu xanh có vị ngọt mát, tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, giảm khát... Với hàm lượng kali và vitamin C dồi dào trong đậu xanh sẽ giúp thanh nhiệt, giải nhiệt, dịu nhẹ thanh quản, tránh bị khàn tiếng.
Cháo đậu xanh là món ăn bổ dưỡng, dễ tiêu, giàu dưỡng chất giúp tăng cường kháng thể rất thích hợp với người đang sốt cao hoặc hết sốt còn mệt mỏi, đề kháng kém. Trẻ em, người lớn ăn kém, người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp dùng đều tốt.
- Nguyên liệu: Đậu xanh cả vỏ 40g, gạo nếp 100g, gạo tẻ 50g, hành lá, tía tô, hạt nêm, đường, muối, hạt tiêu vừa đủ.
- Cách chế biến: Có rất nhiều công thức nấu cháo đậu xanh như kết hợp với thịt lợn, thịt gà, thịt bò, hạt sen… nhưng nếu thích hương vị thơm bùi, ngọt thanh thì nấu cháo đậu xanh nguyên chất là lựa chọn tốt nhất khi đang là F0 điều trị tại nhà.
Gạo vo sạch, ngâm khoảng 40 phút rồi vớt gạo ra để ráo nước. Cho gạo vào nồi, thêm nước với tỉ lệ 1 phần gạo, 4 phần nước. Cho đậu xanh vào đảo đều, đun với lửa lớn. Khi nồi cháo sôi, hạ nhỏ lửa, tiếp tục nấu để cháo mềm nhừ. Nêm gia vị vừa ăn, cho thêm hành lá và tía tô thái nhỏ, thêm chút tiêu vào trộn đều rồi thưởng thức. Món cháo đậu xanh ăn nóng hoặc để nguội đều rất bổ dưỡng với người bệnh F0 điều trị tại nhà.
5. Cháo đậu đen
Trong 100g đậu đen có 24,2% protit, 1,7% chất béo, 53,3% gluxit, muối khoáng 56mg%; canxi 354mg%, 6,1% sắt; 0,06 caroten, 0,51% vitamin B, 3% vitamin C. Hàm lượng axit amin thiết yếu trong đậu đen cũng khá cao.
Cháo đậu đen rất thích hợp duy trì phục hồi sức khỏe cho người mắc COVID-19 giai đoạn phục hồi tuy đã hết sốt nhưng còn mệt mỏi, ăn uống kém, nóng bứt rứt khó ngủ, mẩn ngứa mụn nhọt.
Người cao tuổi có bệnh nền, người bệnh đái tháo đường, tim mạch đều dùng được cháo đậu đen. Tuy nhiên, những người đang bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy thì giảm liều đậu đen, hoặc sao chín thơm trước khi dùng.
- Nguyên liệu: 100g đậu đen, 50g gạo nếp, 100g gạo tẻ, đường vàng lượng vừa đủ.
- Cách chế biến: Đậu đen, gạo vo sạch rồi ngâm, vớt ra để ráo nước. Cho đậu đen vào nồi cùng khoảng 700ml nước đun to lửa, khi sôi thì bớt lửa cho đậu chín mềm. Cho thêm gạo ninh nhừ đến khi cháo sánh mịn là được. Thêm đường vừa ăn. Hoặc nếu muốn ăn cháo muối thì nêm gia vị vừa ăn. Ăn cháo lúc nóng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tiếp xúc gần F0, vì sao nhiều người vẫn 'miễn nhiễm' với COVID-19