Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, có khả năng lây nhiễm phát triển thành dịch. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh, nhưng khoảng 90% trường hợp bệnh xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi.
Các triệu chứng đặc trưng gồm: Sốt, nổi ban kiểu bóng nước ở da và niêm mạc. Diễn tiến thường lành tính, nhưng đôi khi có thể gây tử vong do những biến chứng trầm trọng như viêm não, viêm phổi.
Đường lây chủ yếu là đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ miệng người bệnh. Một số ít lây qua đường da do tiếp xúc với bóng nước. Thời gian lây bệnh bắt đầu 24 giờ trước khi có phát ban và kéo dài cho đến khi những nang nước đóng vẩy (trung bình từ 7 – 10 ngày).
Y học cổ truyền mô tả các biểu hiện lâm sàng của bệnh thuỷ đậu trong phạm vi các chứng thuỷ hoa, thủy bào, thủy sang, phu chẩn, thủy hoa nhi. Nguyên nhân gây bệnh thường do phong nhiệt độc tà xâm nhập vệ phận, qua đường mũi miệng, gây rối loạn chức năng tuyên giáng của phế, tạo nên các sang thương đỏ, có bóng nước trong hoặc độc tà xâm nhập vào phần khí và dinh gây ra các bóng nước đục.
Điều trị bằng y học cổ truyền chủ yếu nhằm mục đích sơ phong thanh nhiệt, giải độc, lương huyết. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc y học cổ truyền giúp hạ sốt, kháng virus, điều hòa miễn dịch góp phần cải thiện bệnh.
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh thủy đậu có thể sử dụng một số món ăn được chế biến từ những dược liệu sau đây để hỗ trợ điều trị bệnh.
Nốt phổng nước trên da do thủy đậu.
1. Cháo đậu đỏ ý dĩ giúp thải độc cho người bệnh thủy đậu
Nguyên liệu chính: Gạo tẻ 100g, đậu đỏ 30g, ý dĩ nhân 20g, thổ phục linh 30g.
Cách chế biến: Gạo, đậu đỏ và ý dĩ nhân, đem vo với nước sạch, thổ phục linh mang rửa sạch. Sau đó cho nguyên liệu vào nồi, thêm nước sạch và đun với lửa nhỏ 10 – 20 phút. Trong quá trình nấu không nên mở vung. Có thể thêm 1 chút đường để ăn cho dễ. Ăn thay cơm trong ngày từ 2 – 5 lần tùy ý (ăn liền trong 2 – 3 ngày).
Công dụng: Đậu đỏ và ý dĩ giúp thải độc, thích hợp với người sốt, mệt mỏi, chán ăn.
Cháo đậu đỏ ý dĩ tốt cho người mệt mỏi, chán ăn.
2. Cháo hạt sen, kim ngân
Nguyên liệu chính: Kim ngân hoa 30g, gạo tẻ 60g, hạt sen 30g.
Cách chế biến: Kim ngân hoa rửa sạch, mang sắc lấy nước, đem nấu cháo với gạo vo sạch và hạt sen. Khi cháo chín nêm thêm chút đường hoặc muối.
Công dụng: Kim ngân hoa có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trị sốt nóng, đau rát họng, ho, miệng khô họng khát, giúp người bệnh thủy đậu dễ chịu hơn.
Hạt sen, nguyên liệu cho món cháo hạt sen, kim ngân bồi bổ sức khỏe cho người mắc thủy đậu.
3. Canh dâu tằm
Nguyên liệu chính: Lá dâu tằm, thịt bò, thịt heo hoặc tôm.
Cách chế biến: Lá để nấu canh phải là những đọt non, không bị sâu phá. Khi hái về, lá được vò sơ qua để khi chín sẽ mềm, bùi hơn và tăng thêm hương vị, sau đó mang rửa sạch rồi thái vừa ăn. Sau đó đem nấu với thịt bò, thịt heo hoặc tôm, nêm thêm một ít dầu ăn và hạt nêm.
Công dụng: Lá dâu tằm có tác dụng giải cảm nhiệt, trị sốt cao, miệng khát, đau đầu, ho khan.
4. Canh rau ngót, thịt hến
Nguyên liệu chính: Thịt hến 100g, rau ngót 200g.
Cách chế biến: Hến rửa sạch rồi đem luộc. Dùng nước luộc hến nấu canh, cho thịt hến vào, nêm nước mắm vừa ăn rồi cho rau ngót đã rửa sạch, vò sơ vào, đun sôi lại là được. Ăn trong bữa cơm.
Công dụng: Lá ngót có tác dụng thanh nhiệt, bổ huyết, giải độc, trị sốt, ho, ban chẩn, mụn nhọt, táo bón, tiểu tiện khó…
Canh rau ngót, thịt hến thanh nhiệt, giải độc...
5. Canh thanh nhiệt
Nguyên liệu chính: Củ năng, đậu xanh, đọt tre non, cà rốt, rễ tranh mỗi thứ từ 20 – 30g.
Cách chế biến: Củ năng, đậu xanh, đọt tre non, cà rốt, rễ tranh rửa sạch, cho vào nồi nấu cùng với 1 lít nước. Khi thấy còn khoảng 650ml thì tắt bếp để nguội. Có thể dùng trong bữa cơm.
Công dụng: Củ năng, đậu xanh, đọt tre non và rễ tranh có tác dụng thanh nhiệt hạ họả, tư âm, phù hợp với những người bệnh thủy đậu sốt cao, cơ thể nóng bứt rứt khó chịu.
Mời bạn xem tiếp video:
Cảnh báo 6 dấu hiệu gan của bạn đang ‘cầu cứu’ | SKĐS