Hà Nội

5 lưu ý trong chăm sóc, phục hồi sau phẫu thuật tim

29-01-2022 15:29 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Trải qua bất cứ một cuộc phẫu thuật nào cũng sẽ làm cho tâm trạng và sức khoẻ người bệnh có những thay đối nhất định, đặc biệt là sau phẫu thuật lớn như phẫu thuật tim. Rất nhiều người tự hỏi liệu họ có thể sinh hoạt và làm việc như trước đây được không, làm thế nào để có được quá trình hồi phục tốt nhất?

1. Trở lại cuộc sống hằng ngày

Chăm sóc, phục hồi sau phẫu thuật tim  - Ảnh 2.

Sau phẫu thuật lớn như phẫu thuật tim, người bệnh cần thời gian để hồi phục hoàn toàn

Rất nhiều bệnh nhân cảm thấy hơi lo lắng khi phải rời khỏi sự chăm sóc của bệnh viện để trở về nhà. Họ có thể cảm thấy còn yếu và tinh thần không được thoải mái lắm, nhưng đó là những biểu hiện bình thường sau phẫu thuật và cuộc sống bình thường sẽ dần trở lại. Trong tuần đầu tiên phải cần đến người giúp đỡ nếu quá yếu nhưng sau đó nên nhanh chóng trở lại với sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Hầu hết mọi người sẽ trở lại với công việc của mình sau khi hồi phục hoàn toàn. Nếu làm việc văn phòng, có thể trở lại với công việc sau 6 tuần. Nếu công việc nặng nhọc hơn thì thời gian chờ đợi sẽ lâu hơn. Một số người có thể sẽ không thể trở lại với công việc như trước đây nếu như công việc đó quá sức.

2. Những loại thuốc nào phải sử dụng?

Bệnh nhân chỉ được dùng các thuốc do bác sĩ kê đơn và phải cho bác sĩ biết tất cả các thuốc đã dùng trước phẫu thuật bao gồm cả các thuốc không kê đơn. Thuốc chống đông máu là thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông tại các van tim nhân tạo, Warfarin, Sintrom... là các thuốc chống đông máu nhóm đối kháng vitamin K được dùng rộng rãi nhất. Van sinh học thường phải dùng thuốc chống đông 2-4 tháng, nhưng van cơ học đòi hỏi phải dùng thuốc chống đông suốt đời. Bệnh nhân cần xét nghiệm đông máu định kỳ để điều chỉnh liều lượng thuốc chống đông máu và để đạt được hiệu quả chống đông máu tốt nhất. Các thuốc chống đông không làm ngừng hẳn quá trình đông máu, nhưng làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Các thuốc điều chỉnh rối loạn lipid hay aspirin sẽ được dùng một lượng nhỏ tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.

3. Khi nào có thể quan hệ tình dục?

Nhiều người tỏ ra lo lắng về quan hệ tình dục sau phẫu thuật tim, nhưng thực tế quan hệ tình dục an toàn cho trái tim cũng tương tự như các hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ khác. Hầu hết mọi người có thể quan hệ tình dục vào tuần thứ 8 sau phẫu thuật, khi xương ức đã liền hẳn. Nếu có thể đi lên cầu thang của 2 tầng lầu mà không bị khó thở, hay mệt mỏi, không bị đau ngực thì đảm bảo rằng trái tim có thể đáp ứng được với một mức độ gắng sức tương tự khi quan hệ tình dục.

Tuy nhiên cần lưu ý: Sau khi ăn cơm no khoảng 3 giờ mới nên quan hệ tình dục và cảm thấy thoải mãi và thư giãn trước khi quan hệ tình dục. Nếu bị mệt mỏi hay căng thẳng nên đợi đến khi cảm thấy khỏe hơn.

4. Duy trì hiệu quả sau phẫu thuật

Phẫu thuật van tim và bắc cầu nối chủ-vành là phương pháp điều trị bệnh van tim và bệnh động mạch vành rất hiệu quả giúp người bệnh có thể trở lại với cuộc sống bình thường như trước đây. Tuy nhiên, phẫu thuật không chữa khỏi bệnh. Có thể làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay phải phẫu thuật lại bằng cách thay đổi lối sống.

Hút thuốc lá làm giảm nồng độ ô xy trong máu và làm tổn thương thành mạch máu. Điều quan trọng là không được hút thuốc sau phẫu thuật.

Có thể làm giảm nồng độ cholesterol máu và hạn chế quá trình xơ vữa động mạch bằng cách hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Các chất béo bão hòa có trong mỡ, bơ, hai loại dầu thực vật là dầu dừa và dầu cọ, các đồ ăn nhanh... Hãy thay thế các thức ăn có chứa chất béo bão hòa bằng các thức ăn có chứa một lượng trung bình các chất béo đa chuỗi và đơn chuỗi không bão hòa như dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành và dầu lạc.

Chăm sóc, phục hồi sau phẫu thuật tim  - Ảnh 3.

Tập luyện thể lực là điều quan trọng nhất giúp bệnh nhân tự tin và nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường.

Tập luyện thể lực đều đặn với mức độ trung bình rất có lợi cho tim. Hoạt động thể lực còn giúp kiểm soát tốt hơn các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu và béo phì. Người bị bệnh tim cũng có được các lợi ích từ việc hoạt động thể lực đều đặn với mức độ trung bình như những người khác. Tập luyện thể lực là điều quan trọng nhất giúp bệnh nhân tự tin và nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường.

Hãy kiểm tra huyết áp một cách đều đặn. Nếu bị tăng huyết áp, hãy hạn chế ăn muối, uống rượu. Cần phải theo dõi số đo huyết áp và dùng thuốc hạ huyết áp một cách thường xuyên để điều trị bệnh tăng huyết áp. Đồng thời phải kiểm soát được trọng lượng cơ thể.

5. Khi nào nên đi khám lại?

Sau phẫu thuật một vài tháng bệnh nhân nên đi kiểm tra lại sức khoẻ, kiểm tra mức độ hoạt động của quả tim và những đáp ứng của cơ thể nếu sử dụng van tim nhân tạo. Thường thì bệnh nhân sẽ được hẹn ngày đến khám lại khi ra viện. Nhưng nếu có những dấu hiệu bị nhiễm khuẩn, sốt, rét run hay vã mồ hôi, khó thở hay đau ngực, gầy sút cân, có sự thay đổi về tần số và nhịp tim v.v... thì cần phải đến ngay các trung tâm tim mạch để được xử trí kịp thời.

Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim?Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim?

SKĐS- Một nghiên cứu mới đây cho thấy, thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch… Việc kiểm tra nồng độ vitamin D để đánh giá nguy cơ tim mạch của một người là rất quan trọng.

Mời xem thêm video:

Nhiễm COVID-19 Nhẹ Vẫn Bị Ảnh Hưởng Đến Trí Nhớ Và Khẳ Năng Chú Ý |SKĐS


TS Quang Anh
Ý kiến của bạn