5 lưu ý quan trọng về chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn hậu COVID-19

SKĐS - Cho đến nay, phần lớn trường hợp trẻ em mắc COVID-19 ít có khả năng mắc bệnh nặng hơn so với người lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi mắc bệnh nhẹ, trẻ cũng có thể có ảnh hưởng về sức khỏe hậu COVID-19.

Những điều cần biết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em trong giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Những vấn đề sức khỏe hậu COVID-19 ở trẻ em là gì? Cách xử trí như thế nào và chế độ ăn uống có thể cải thiện được không?

1. Những vấn đề sức khỏe hậu COVID trẻ em

Hậu COVID-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Hậu COVID-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khi mắc COVID-19, dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em, qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới.

Những điều cần biết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em trong giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Nhiều ảnh hưởng sức khỏe có thể xảy ra đối với trẻ em hậu COVID-19.

Theo nghiên cứu đăng tải trên trang healthychildren, tình trạng hậu COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên được ghi nhận bao gồm các vấn đề:

Các vấn đề về hô hấp: Vì COVID-19 thường ảnh hưởng đến phổi nên các triệu chứng hô hấp kéo dài không phải là hiếm. Chúng có thể bao gồm đau ngực, ho và khó thở hơn khi tập thể dục. Một số triệu chứng có thể kéo dài trong 3 tháng hoặc lâu hơn. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên với các triệu chứng kéo dài có thể cần xét nghiệm chức năng phổi. Trẻ bị khó thở do gắng sức mà không hết có thể cần xét nghiệm tim để loại trừ các biến chứng như cục máu đông.

Các vấn đề về tim mạch:  Một nghiên cứu trên những bệnh nhân trưởng thành mới hồi phục sau COVID-19 cho thấy 60% trong số họ bị viêm cơ tim, bất kể các triệu chứng COVID-19 của họ nghiêm trọng như thế nào trong quá trình nhiễm trùng. Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể bao gồm: đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi. Trẻ em và thanh thiếu niên có các triệu chứng trung bình hoặc nghiêm trọng trong vòng 6 tháng cần được kiểm tra kỹ lưỡng, bao gồm kiểm tra tim trước khi trở lại trường học hoặc các hoạt động thể thao.

Thay đổi vị giác, khứu giác:  Cứ 4 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi thì có 1 người bị COVID-19 thay đổi khứu giác và vị giác. Điều này có thể có ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và tâm trạng của họ, thậm chí khiến họ không nhận ra mùi nguy hiểm, ví dụ mùi cháy, khét... Tuy nhiên, các triệu chứng này thường biến mất sau vài tuần. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài quá lâu, bác sĩ sẽ kiểm tra hoặc hướng dẫn để phục hồi lại các giác quan này.

Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và trong một số trường hợp hiếm hoi, dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não (sưng não). Trẻ em đã từng bị COVID-19 có thể trải qua những thay đổi nhỏ về sự chú ý, lời nói, bài làm ở trường, chuyển động và tâm trạng. Bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia  thần kinh, vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ trẻ trong thăm khám, điều trị.

Mệt mỏi về tinh thần: "Sương mù não" - suy nghĩ, tập trung hoặc trí nhớ "mờ nhạt" cũng có thể gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên với các triệu chứng như đãng trí hơn hoặc khó chú ý, khó ghi nhớ... Hãy giúp con bạn ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng, điều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này. Nếu tình trạng mệt mỏi về tinh thần hậu COVID-19 không cải thiện hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày, khi đó nên đưa trẻ đi khám.

Thể chất mệt mỏi: Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, trẻ em và thiếu niên có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng kém hơn, ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng về tim hoặc phổi do virus gây ra. Điều này thường được cải thiện theo thời gian. Bạn nên cho con tăng dần hoạt động thể chất từ từ. Nếu điều này không cải thiện các triệu chứng, hãy đến gặp bác sĩ.

Nhức đầu: Nhức đầu là một triệu chứng phổ biến trong và sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn các bữa ăn đều đặn và kiểm soát căng thẳng có thể hữu ích. Nếu cơn đau đầu nhiều và kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc phòng ngừa.

Sức khỏe tâm thần và hành vi: COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Đối với trẻ em mắc bệnh tâm thần/hành vi hiện có, các sự kiện xung quanh COVID-19 (nhập viện, cách ly, nghỉ học) cũng có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Bác sĩ nhi khoa có thể kiểm tra con bạn để tìm các dấu hiệu trầm cảm, lo lắng và các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần khác, đồng thời tư vấn khi nào con bạn có thể cần được hỗ trợ thêm.

Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) là một biến chứng hiếm gặp, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Việc chủng ngừa với hai liều Pfizer-BioNTech được báo cáo là có thể ngăn ngừa MIS-C ở trẻ em từ 12 đến 18 tuổi. Được biết, trong một nghiên cứu gần đây cho thấy các bệnh nhân MIS-C bị bệnh nặng đều không được tiêm chủng vaccine COVID-19.

Trong trường hợp trẻ có các triệu chứng như sốt mà không rõ nguyên nhân hậu COVID-19, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám. MIS-C có thể trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng, và trẻ em phát triển tình trạng này nên được bác sĩ bác sĩ chuyên khoa khám càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, bao gồm đi tiểu thường xuyên, tăng khát, tăng đói, giảm cân, mệt mỏi, đau dạ dày và buồn nôn hoặc nôn, đã được báo cáo ở một số trẻ em và thanh thiếu niên bị COVID-19…

Những điều cần biết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em trong giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 5.

Cần đi khám nếu các triệu chứng hậu COVID-19 ảnh hưởng nhiều tới trẻ. Ảnh: Quỳnh Châu

2. Cha mẹ cần làm gì trong giai đoạn hậu COVID-19 ở trẻ?

Theo các chuyên gia y tế, cha mẹ không nên quá lo lắng về di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em vì tỷ lệ thấp và trẻ có thể trở lại bình thường từ 3-6 tháng. Khả năng tự chữa lành của trẻ cao, do đó sẽ không có quá nhiều nguy hiểm.

Ths.BS. CKI Trịnh Phượng Kiều - Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý các bậc cha mẹ: “Trẻ em bị bệnh sởi mất đến 3 tháng để hồi phục. Người bị bệnh thương hàn cũng cần hàng tháng mới có thể khỏe trở lại. Vì vậy, người mắc COVID -19 cũng cần thời gian để hồi phục sức khỏe vì cơ thể vừa phải huy động tất cả năng lượng để tạo ra hàng rào miễn dịch với một loại virus hoàn toàn mới”. Trong trường hợp các triệu chứng kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên môn tư vấn, làm các xét nghiệm liên quan để có hướng điều trị thích hợp.

Để xác định trẻ có thể mắc hội chứng hậu COVID-19 hay không, cha mẹ cần theo dõi, quan sát trẻ sau khi khỏi COVID-19. Nếu phát hiện con thay đổi tính tình, cách sinh hoạt, hành vi và có các biểu hiện như thở mệt, hồi hộp, đánh trống ngực, mệt khi gắng sức, hụt hơi, rụng tóc, giảm tập trung... cần đưa trẻ đến bệnh viện khám. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ tư vấn và tiếp tục thăm khám, điều trị hậu COVID-19 cho trẻ khi cần thiết.

Đối với trường hợp trẻ mắc COVID-19 cần đi khám sớm trước hết là trẻ nhiễm COVID-19 trầm trọng, sau khi phục hồi khỏi đợt cấp nên đi khám tổng quát. Trẻ nhiễm COVID-19 trầm trọng phải nhập viện điều trị vì: Viêm phổi suy hô hấp nặng, cơn bão cytokine, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết… Việc khám hậu COVID-19 cũng giống như việc theo dõi sự phục hồi hay suy thoái của các tạng phủ: phổi, gan, thận…

ThS.BS Đào Trường Giang
https://suckhoedoisong.vn/hieu-dung-v...

Các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc theo dõi phát hiện sớm trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19 để xử lý kịp thời, cha mẹ cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là đối với trẻ lớn, trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện.

Chế độ dinh dưỡng cho người sau điều trị COVID-19 rất quan trọng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, cải thiện các chức năng cho cơ thể.

Cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, ngủ nghỉ và thể dục hợp lý để duy trì thể lực, tăng cường sức đề kháng để chiến thắng hậu COVID-19.

Những điều cần biết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em trong giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 7.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ.

3. Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ

Để trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau khi mắc COVID-19, cha mẹ lưu ý:

  • Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Cần cho trẻ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước, bổ sung vitamin để cung cấp đa dạng các vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
  • Tăng cường thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt... để tái tạo và phục hồi các tế bào và mô và giúp cơ thể sản xuất các kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.
  • Cho trẻ ăn những món hợp khẩu vị mà trẻ thích, thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như các món cháo, súp…
  • Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn và các loại nước uống công nghiệp.
Những điều cần biết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em trong giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 8.

Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu.

4. Trẻ bị hậu COVID-19 nên ăn uống thế nào?

4.1. Nếu trẻ còn ho sau khi mắc COVID-19

Ho là một triệu chứng phổ biến xuất hiện sau khi khỏi COVID-19. Có một số trẻ thỉnh thoảng chỉ ho húng hắng nhưng cũng có nhiều trẻ bị ho thành cơn gây kích ứng, đau rát họng, gây viêm nhiễm dẫn đến có đờm đặc.

Khi bị ho, trẻ thường rất khó chịu, dễ nôn, dẫn đến biếng ăn. Trẻ ăn ít dễ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng làm cho khả năng hồi phục kém hơn. Vì vậy, cha mẹ càng cần phải chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thật tốt bằng cách:

- Lựa chọn món dễ ăn, có mùi vị dễ chịu, hợp khẩu vị của trẻ. Thức ăn loãng, mềm. Những món ăn thích hợp dùng cho trẻ bị ho là cháo, súp như: cháo gà, cháo thịt lợn nạc, súp gà…

- Cho trẻ uống nhiều nước để làm dịu họng, loãng đờm và giảm ho. Nên uống từng ngụm nhỏ nước lọc ấm đến khi cơn ho dừng. Ngoài nước lọc, có thể cho trẻ dùng nước mật ong ấm kết hợp với chanh, gừng cũng có tác dụng làm dịu họng, giảm ho tốt.

- Hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều gia vị, thức ăn lạnh… Những thực phẩm này dễ gây kích thích họng, gây ho, tăng đờm nhớt, gây đầy bụng, khó tiêu…

Những điều cần biết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em trong giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 9.

Uống nhiều nước giúp làm dịu họng, loãng đờm và giảm ho ở trẻ.

4.2. Nếu trẻ còn buồn nôn

- Có thể cho trẻ dùng một số loại thực phẩm giúp làm dịu cơn buồn nôn như: nước dùng, nước luộc gà hoặc nước hầm rau củ…

- Nhắc trẻ uống từng ngụm nước nhỏ thường xuyên. Uống nhiều nước một lúc sẽ càng làm dạ dày khó chịu, gây buồn nôn.

- Hạn chế đồ uống quá ngọt, có chứa caffein hoặc làm từ sữa có thể làm trầm trọng thêm cảm giác buồn nôn.

4.3. Trẻ chưa lấy lại vị giác và khứu giác

- Cha mẹ cố gắng động viên trẻ ăn. Chọn những món hàng ngày trẻ thích nhất sẽ khiến trẻ có động lực để ăn hơn.

- Chia nhỏ bữa ăn, thay đổi nhiều món khác nhau.

- Trang trí món ăn hấp dẫn và nhiều màu sắc để kích thích trẻ ăn.

4.4. Trẻ mệt mỏi, biếng ăn

- Nếu trẻ còn mệt, không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa. Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày. Trẻ ăn ít một sẽ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Đối với trẻ còn bú cũng vậy, nên cho trẻ bú theo nhu cầu, bú làm nhiều lần khi trẻ thấy dễ chịu.

- Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn.

- Cho trẻ uống bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua. Sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với trẻ mới ốm dậy.

Những điều cần biết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em trong giai đoạn hậu COVID-19 - Ảnh 10.

Không nên cho trẻ ăn các món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ.

 5. Có nên tẩm bổ nhiều để trẻ nhanh hồi phục?

Sau khi trẻ mắc COVID-19 nhiều bậc cha mẹ "ra sức" tẩm bổ cho con các thực phẩm bổ dưỡng như: tổ yến, đông trùng hạ thảo… vì cho rằng, thực phẩm bổ dưỡng thì càng ăn nhiều càng bổ, sức khỏe nhanh hồi phục. Nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo các chuyên gia, thực phẩm bổ dưỡng nên sử dụng điều độ, đúng liều lượng mới tốt cho sức khỏe.

- Đối với trẻ em 1-3 tuổi chỉ nên dùng 1-2g tổ yến tinh chế mỗi lần, một tuần dùng 2-3 lần. Không nên dùng quá nhiều khiến hệ tiêu hóa của trẻ không tiêu hóa được.

- Trẻ từ 3-12 tuổi, có thể dùng 3-4g tổ yến tinh chế mỗi lần, 3 lần/tuần.

- Người lớn nên ăn hàng ngày với liều 3-4g yến tinh chế mỗi ngày nếu có điều kiện bởi tổ yến tốt cho da và sự hồi phục sau COVID-19.

Những lưu ý trong chế độ ăn uống ở giai đoạn hậu COVID-19 Những lưu ý trong chế độ ăn uống ở giai đoạn hậu COVID-19

SKĐS - Chế độ dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là vào thời điểm hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả và ở trạng thái yếu hơn trước. Vì vậy, giai đoạn hậu COVID cần đặc biệt chú ý tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi sau nhiễm COVID-19.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hậu Covid-19: 3 thay Đổi Trong Lối Sống Sẽ Giúp Bạn Ngủ Ngon Hơn 

Phương Anh
tổng hợp
Ý kiến của bạn