Hà Nội

5 lưu ý quan trọng khi thay răng sữa ở trẻ

10-11-2023 16:06 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Đa số các bé sẽ bắt đầu thay răng sữa khi được 5 hay 6 tuổi, tuy nhiên quá trình thay răng cũng có thể xuất hiện sớm hơn - khoảng 4 tuổi, hoặc trễ hơn, khi bé được 8 tuổi.

Thay răng sữa ở trẻ và cách chăm sóc đúngThay răng sữa ở trẻ và cách chăm sóc đúng

SKĐS - Răng sữa có vai trò rất quan trọng, tạo chỗ cho răng vĩnh viễn mọc sau này. Tuy vậy, vẫn còn nhiều cha mẹ không coi trọng răng sữa mà chỉ quan tâm đến răng vĩnh viễn. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Vậy, chăm sóc răng sữa ra sao, quá trình thay răng sữa ở trẻ khi nào và cần lưu ý gì?

Răng sữa của các bé gái thường có xu hướng thay sớm hơn các bé trai. Chiếc răng sữa cuối cùng thường sẽ rụng khi bé được 12 tuổi. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần theo dõi thường xuyên và phải có kiến thức về răng miệng, để giúp quá trình thay răng sữa của trẻ diễn ra thuận lợi nhất.

Trẻ thay răng sữa khi nào?

Răng sữa là những chiếc răng mọc trong thời kỳ trẻ bú mẹ, là bộ răng tồn tại ở giai đoạn quan trọng nhất của sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ em.

Răng sữa được hình thành từ tuần thứ 7 đến tuần thứ 10 của bào thai, được lắng đọng chất men và ngà từ tháng 4 đến tháng thứ 6 sau khi sinh. Răng sữa sẽ mọc khi trẻ được 6 tháng. Lúc trẻ được 2 – 3 tuổi thì sẽ có đủ bộ răng sữa với 20 răng, bao gồm 10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới.

Chân răng sữa sẽ tiêu dần đi khi đến tuổi thay và bộ răng vĩnh viễn sẽ mọc dần lên thay thế vào vị trí răng sữa. Các răng này sẽ rụng dần đi và được thay bằng răng vĩnh viễn.

Thông thường thứ tự thay răng sẽ tương tự như lúc bé mọc răng sữa: Chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước. Thế nên nếu bé đang trong giai đoạn mọc răng, mẹ hãy ghi lại thứ tự mọc, đến khi bé thay răng, mẹ có thể đoán thứ tự rụng của những chiếc răng sữa này, xác suất đúng tương đối cao.

Răng sữa sẽ bắt đầu thay khi trẻ 5 đến 6 tuổi, tuy nhiên quá trình thay răng cũng có thể xuất hiện sớm hơn hoặc trễ hơn, tùy vào từng cá thể và có tính chất gia đình.

Có tất cả 20 răng sữa mọc theo thứ tự, bắt đầu từ răng cửa giữa, răng cửa bên, răng hàm nhỏ thứ nhất, răng nanh, răng hàm nhỏ thứ 2 và được hoàn toàn thay thế bởi bộ răng vĩnh viễn khi trẻ 12 tuổi.

Hàm răng của trẻ được coi là phát triển bình thường khi thứ tự của các răng vĩnh viễn sẽ mọc tương tự như răng sữa, nghĩa là chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước và thứ tự thay răng có sự khác biệt giữa hàm dưới và hàm trên.

Tại sao phải chăm sóc răng sữa?

Một số phụ huynh có suy nghĩ răng sữa của trẻ sẽ được thay nên không chú ý. Thực ra, răng sữa rất quan trọng trong sự phát triển thể chất của trẻ (ăn nhai, phát âm) và thẩm mỹ. Răng sữa sẽ giữ chỗ cho răng vĩnh viễn tương ứng trên cung hàm.

Giúp răng vĩnh viễn mọc lên đúng chỗ và giúp xương hàm phát triển bình thường. Vì vậy, các bố mẹ nên lưu ý giữ gìn răng sữa cho trẻ, để trẻ có được hàm răng vĩnh viễn đẹp đều.

5 lưu ý quan trọng khi thay răng sữa ở trẻ - Ảnh 2.

Răng sữa sẽ bắt đầu thay khi trẻ từ 5 đến 6 tuổi

Có nên tự nhổ răng sữa cho trẻ?

Thông thường các răng sữa sẽ tự rụng và nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Tuy nhiên, có không ít các trường hợp, răng sữa khi đã đến tuổi thay mà vẫn không tự lung lay và tự rụng đi, trong khi răng vĩnh viễn đã bắt đầu xuất hiện, vì vậy đòi hỏi cần có sự trợ giúp từ bên ngoài. Nếu không sớm can thiệp, sự hiện diện kéo dài của răng sữa sẽ khiến cho răng vĩnh viễn mọc sai lệch, hàm răng của bé sau này khó có thể đều và đẹp được.

Trên thực tế, trước đây khá nhiều người tự nhổ răng sữa ở nhà. Tuy nhiên, nếu không thực hiện đúng cách hay thao tác không trọn vẹn, người lớn vô tình lại gây tổn thương như nhiễm trùng, động tác thô bạo, đôi khi khiến trẻ quấy khóc, vô tình nuốt phải răng vừa nhổ ra, hoặc khiến cho chảy máu nhiều, gây ra tâm lý hoảng sợ cho các lần thay răng tiếp theo… Chính vì thế, nếu cha mẹ có con đã được chẩn đoán các bệnh lý nêu trên, thì khi trẻ thay răng nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định kháng sinh dự phòng và lập kế hoạch thời điểm can thiệp thích hơn.

Nên đưa trẻ đến phòng khám nha khoa và xem xét phương pháp can thiệp phù hợp cho từng trẻ, từng vị trí răng. Các bác sĩ sẽ có sẵn các thuốc hỗ trợ giảm đau và cầm máu cho trẻ. Hơn thế nữa, việc đến bác sĩ nha khoa thường xuyên sẽ luyện tập cho trẻ có thói quen răng miệng lành mạnh sau này, bác sĩ có cơ hội thăm khám toàn diện, chuẩn bị cho trẻ một hàm răng khỏe mạnh về sau.

5 lưu ý trong quá trình mọc và thay răng sữa ở trẻ

Trong quá trình mọc răng sữa và thay răng cha mẹ cần chú ý những điều sau:

- Vệ sinh răng miệng sau những bữa ăn luôn là một trong những điều quan trọng đầu tiên cần làm đối với trẻ nhỏ, tránh các bệnh có thể gây ra như sâu răng, các bệnh nha chu…

- Hạn chế đồ ngọt, đồ cứng khó nhai, kẹo cao su.

- Khi trẻ đến thời điểm mọc và thay răng, dinh dưỡng cũng là 1 phần rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển răng ở trẻ, cần bổ sung cho trẻ chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng như: Canxi, Flour, Vitamin D, A, B1, C…

- Giúp trẻ tránh các thói quen xấu như nghiến răng, thở bằng miệng, mút tay, lấy lưỡi đẩy vào răng… vì những thói quen này sẽ dẫn đến tình trạng răng hô, móm, răng mọc lệch, răng mọc chen chúc hoặc quá thưa, gây ảnh hưởng tới quá trình mọc răng đúng vị trí và thẩm mỹ sau này.

- Khi phát hiện thấy trẻ có răng mọc lẫy, cha mẹ nên đưa trẻ đi nhổ các răng sữa càng sớm càng tốt, để các răng vĩnh viễn có cơ hội trở về vị trí đúng trên cung răng, tránh gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng của răng ở trẻ sau này.

BS Nguyễn Thị Châu
Ý kiến của bạn