Dưới đây là giải đáp của TS. BS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng Thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam xung quanh vấn đề bổ sung nước cho cơ thể.
1. Nước quan trọng như thế nào đối với cơ thể?
Nước có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể bởi 70% -80% cơ thể chúng ta là nước. Nước tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể như: quá trình hấp thu, quá trình chuyển hóa, quá trình đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể.
Cơ thể chúng ta nếu bị thiếu khoảng 2% nước sẽ thấy mệt mỏi, nếu thiếu khoảng 10% nước thì sẽ dẫn tới tình trạng nguy hiểm, nếu thiếu 20% lượng nước trong cơ thể thì có thể dẫn tới tử vong.
Ở một số trường hợp thực tế cho thấy có những người không ăn trong nhiều ngày vẫn có thể tồn tại được nhưng nếu thiếu nước chỉ trong vòng 3- 4 ngày thì sẽ tử vong.
2. Mỗi người cần uống bao nhiêu nước một ngày?
Người bình thường cần uống lượng nước là 40ml/1kg cân nặng/ ngày. Ví dụ, người khoảng 60kg thì lượng nước một ngày cần bổ sung là 2 - 2,4 lít. Tuy nhiên, một số người có bệnh lý sẽ bổ sung nước theo hướng dẫn của bác sĩ.
Có thể chia lượng nước uống như sau: nên uống 40% lượng nước vào buổi sáng, 40% vào buổi chiều, 20% vào buổi tối.
3. Nên uống nước vào thời điểm nào trong ngày?
Ngoài ra, chúng ta có thể uống nước vào các thời điểm:
- Trước khi ăn hoặc trước khi chơi thể thao khoảng 30 phút – 60 phút
- Uống nước trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng
- Lưu ý khi uống nước, không uống một cốc thật to một lúc mà tốt nhất nên uống từng cốc nước nhỏ và uống liên tục.
4. Cách nhận biết cơ thể đã đủ nước và cơ thể bị thiếu nước
Nếu muốn biết lượng nước uống vào đã đủ hay chưa, chúng ta có thể dựa vào số lần và khoảng cách đi tiểu trung bình từ 2 tới 4h. Nếu uống ít nước quá, khoảng cách đi tiểu này sẽ kéo dài (khoảng 4h tới 5h).
Ngoài ra có thể dựa vào màu nước tiểu. Nếu uống đủ nước thì màu của nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt. Còn nếu uống ít nước, màu của nước tiểu sẽ chuyển thành màu vàng sậm.
5. Những loại nước nào để bổ sung cho cơ thể và lưu ý cách sử dụng
Nước chia thành 2 nhóm: nước không có cồn (nước lọc, nước trái cây, nước giải khát có ga, nước giải khát không có ga) và nước có cồn.
Nước lọc là loại nước rất tốt, không có tác dụng phụ và ai cũng có thể uống được tuy nhiên, một số người lại thấy uống nước lọc hơi chán và muốn uống một số loại nước khác như nước trái cây, nước giải khát có ga hoặc rượu, bia. Tuy nhiên, những loại nước này không thể dùng tùy tiện, mỗi loại nước đều có điểm mạnh và điểm yếu.
Lưu ý lượng nước cần uống đối với phụ nữ mang thai và cho con bú: Ngoài nhu cầu 40ml nước/cân nặng/người/ngày thì cần bổ sung thêm vào tổng số này khoảng 600ml tới 700 ml/ ngày mỗi người. Lượng nước cũng ảnh hưởng tới lượng sữa tiết ra với bà mẹ cho con bú. Mẹ ra ít sữa, thiếu sữa cũng có thể nguyên nhân do chưa uống đủ nước.
Với bệnh nhân tăng huyết áp: cần kiểm soát lượng nước uống vào kể cả nước lọc. Bởi khi uống nhiều nước, trong vòng 10 phút, nước bắt đầu xuống ruột non và làm cho dung lượng của máu cao lên, gây áp lực thêm cho thành mạch.
Khi uống nước có cồn, một số người sẽ cảm thấy rất hưng phấn. Tuy nhiên, nếu lượng cồn trong cơ thể một ngày mà vượt quá giới hạn cho phép sẽ ảnh hưởng tới vấn đề thần kinh và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Hiện nay, theo thống kê của các nhà khoa học, có khoảng 30 bệnh liên quan tới vấn đề sử dụng các loại nước có cồn và khoảng 300 bệnh khác có liên quan tới vấn đề sử dụng rượu bia.
Nước trái cây cung cấp nhiều vitamin nhưng đối với một số người cũng cần kiểm soát lượng dùng như người bị đái tháo đường bởi nước trái cây làm cho lượng đường tăng lên nhanh. Khi sử dụng nước ép trái cây, cần lưu ý, không nên cho thêm đường vào nước ép và cố gắng lựa chọn các loại quả có chỉ số đường không cao.
Nước trà rất tốt, có nhiều chất chống oxy hóa, giúp cơ thể trẻ hóa. Tuy nhiên, đối với những người thiếu máu, thiếu sắt thì không nên uống trà ngay sau khi ăn bởi trong trà có tanin sẽ làm giảm sự hấp thu sắt.
Xem thêm video đang được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C