Tuổi thọ trung bình trên thế giới đã tăng đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự, già hóa của dân số đã dẫn đến tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính cao như tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư. Mặc dù mọi người sống lâu hơn, những người già thường sống với khuyết tật và các bệnh mãn tính. Những người mắc các bệnh mãn tính bao gồm ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường có tuổi thọ ngắn hơn so với những người cùng tuổi không có các tình trạng mãn tính này.
Các yếu tố lối sống có thể thay đổi bao gồm hút thuốc, hoạt động thể chất, uống rượu, kiểm soát trọng lượng cơ thể và chất lượng chế độ ăn uống, ảnh hưởng đến cả tuổi thọ và tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố này đóng góp tới 60% tử vong sớm và giảm tuổi thọ trung bình từ 7,4-17,9 năm. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, một lối sống lành mạnh giúp tăng tuổi thọ, có thể kéo dài đáng kể số năm mà một cá nhân tránh được các bệnh mạn tính này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã lấy dữ liệu từ hai nguồn. Một từ Nghiên cứu Sức khỏe của Y tá, bao gồm thông tin từ 73.196 nữ y tá. Hai là dữ liệu từ Nghiên cứu theo dõi của Chuyên gia Y tế, bao gồm dữ liệu từ 38.366 chuyên gia y tế nam. Các nhà khoa học đã tính điểm số lối sống từ 0 -5 cho mỗi người tham gia, tương ứng với 5 lối sống lành mạnh, đó là: Cân nặng khỏe mạnh, không bao giờ hút thuốc, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, uống rượu vừa phải và chế độ ăn uống chất lượng tốt.
Theo dõi trong nhiều năm và ghi lại các chẩn đoán và tử vong do ung thư, đái tháo đường loại 2 và bệnh tim mạch, các nhà khoa học nhận thấy, những phụ nữ ở độ tuổi 50 không áp dụng bất kỳ một trong 5 lối sống lành mạnh trên có thể sống mà không bị ung thư, tiểu đường và bệnh tim trong 24 năm nữa, nhưng những người áp dụng 4 hoặc 5 lối sống lành mạnh này có thể sống thêm 34 năm không bệnh. Tương tự đối với nam giới con số này là 24 năm (khi không áp dúng lối sống lành mạnh nào) và 31 năm (áp dụng 4 hoặc 5 lối sống lành mạnh). Những người đàn ông hút hơn 15 điếu thuốc mỗi ngày và bất kỳ ai mắc bệnh béo phì đều có tuổi thọ thấp nhất sau 50 tuổi.
Như vậy, việc tuân thủ lối sống lành mạnh có liên quan đến tuổi thọ dài hơn ở tuổi 50 không mắc các bệnh mãn tính lớn trung bình khoảng 7,6 năm ở nam giới và 10 năm ở phụ nữ so với những người tham gia không áp dụng lối sống lành mạnh. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng đàn ông và phụ nữ có 4 hoặc 5 lối sống lành mạnh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, tim mạch hoặc tiểu đường týp 2 sống lâu hơn những người có cùng chẩn đoán mà không áp dụng bất kỳ lối sống lành mạnh nào. Như vậy, một lối sống lành mạnh không chỉ làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính mà còn cải thiện khả năng sống sót sau khi chẩn đoán mắc các bệnh mạn tính.
Mặc dù đây là nghiên cứu quan sát, không kết luận mối quan hệ nhân quả, nhưng các nhà khoa học khuyến cáo cần có các chính sách công để cải thiện thực phẩm và môi trường có lợi cho việc áp dụng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, cũng như các chính sách và quy định có liên quan. Ví dụ: Cấm hút thuốc ở nơi công cộng hoặc hạn chế chất béo chuyển hóa… rất quan trọng để cải thiện tuổi thọ, đặc biệt là tuổi thọ không có các bệnh mãn tính lớn.