Tác dụng của gừng và nghệ
Tác dụng của gừng: Gừng được dùng dưới dạng tươi, khô, bột hoặc nước ép. Theo Y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị; có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, cầm mửa, tiêu nước, dịu ho, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc.
BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ, Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, vị cay thơm đặc trưng và tính ấm nóng của gừng là đặc điểm khiến cho gừng được sử dụng nhiều trong ẩm thực cũng như trong y học cổ truyền.
Sinh khương hay gừng tươi là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc phát tán phong hàn. Trong y học cổ truyền phương Ðông, ở các nước Trung Quốc, Ấn Ðộ, Việt Nam… gừng là vị thuốc không thể thiếu trong bài thuốc đông y.
Gừng và nghệ là hai loại gia vị (thảo mộc) phổ biến ở nước ta, không chỉ dùng trong ẩm thực mà còn có tác dụng phòng, trị bệnh.
Tác dụng của nghệ: Củ nghệ có vị cay đắng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ, giúp lên da non.
Nghệ được dùng trong trường hợp kinh nguyệt không đều, bế kinh, ngực bụng trướng đau tức, đau liên sườn dưới, khó thở, sau khi sinh con bị ứ huyết, chấn thương phần mềm gây ứ máu, viêm loét dạ dày, phong thấp, vàng da...
Nghệ tươi đem giã nhỏ, lấy phần dịch bôi lên chỗ bị ung nhọt, viêm tấy, lở loét ngoài da hoặc các mụn mới khỏi để đỡ sẹo.
Trong y học Ấn Độ, nghệ được sử dụng để kích thích tiêu hóa, bổ máu. Nước ép nghệ tươi có khả năng chống ký sinh trùng trong nhiều bệnh ngoài da. Trong y học Trung Quốc, nghệ vừa được dùng làm thuốc kích thích, thuốc bổ, thuốc giảm đau, thuốc cầm máu và giúp tăng cường chuyển hoá. Nghệ được chỉ định trong loét dạ dày, loét dạ dày có xuất huyết (phối hợp với các dược liệu khác), tiểu ra máu và các bệnh khác.
Ở Đông Nam Á, nghệ được xem như loại thuốc bổ dạ dày, cầm máu, chữa vàng da và một số bệnh gan khác. Dùng nghệ bôi ngoài da chữa ngứa, làm lành vết thương...
Lợi ích của ăn gừng và nghệ vào buổi sáng
Theo TOI, ăn gừng và nghệ vào buổi sáng mang lại một số lợi ích:
Giảm đau khớp: Cả gừng và nghệ đều có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn mạnh. Kết hợp hai gia vị này, bằng cách nhai từng miếng hoặc chiết xuất nước ép, là một phương pháp điều trị tại nhà phổ biến, để giảm khó chịu, giảm viêm, giảm đau khớp.
Ăn gừng và nghệ vào buổi sáng giúp giảm đau khớp, làm sáng da...
Làm sáng da: Cả gừng và nghệ đều là những nguồn cung cấp tuyệt vời các hợp chất bảo vệ cho da. Đặc biệt khi kết hợp với nghệ, chất chống oxy hóa trong gừng làm tăng cường sức mạnh chống oxy hóa của nghệ, có thể giúp ngăn ngừa ung thư và bệnh tim,
Gừng và nghệ được cho là một trong những loại thực phẩm có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất và có thể làm sáng da từ bên trong
Giảm viêm: Uống nước gừng và nghệ thường xuyên có thể giúp giảm viêm mạn tính, tình trạng này có liên quan đến một số bệnh, bao gồm bệnh tim và viêm khớp. Kết hợp đồ uống này vào thói quen hàng ngày, có thể giảm viêm, phòng ngừa bệnh liên quan đến viêm và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Tăng cường miễn dịch: Chất chống oxy hóa có trong gừng và nghệ giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa. Uống một ly đồ uống gừng - nghệ đầu tiên vào buổi sáng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp bạn chống lại nhiễm trùng tốt hơn.
Tăng cường sức khỏe tim mạch: Gừng và nghệ có thể giúp duy trì sức khỏe tim mạch, bảo vệ não và cơ bắp.
Một phân tích tổng hợp được công bố trên Phytotherapy Research chỉ ra rằng, gừng làm giảm huyết áp. Bài đánh giá công bố trên Pharmacological Research cho thấy, nghệ có thể làm giảm huyết áp khi tiêu thụ trong thời gian dài. Ngoài ra, một phân tích tổng hợp công bố trên Chemico-Biological Interactions, cho thấy, nghệ và gừng đều có thể làm giảm cholesterol.