Ngày nay, chứng suy giảm trí nhớ (mất trí nhớ) ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt ở những người trên 65 tuổi. Nếu suy giảm trí nhớ nặng, người bệnh có thể cần hỗ trợ hoàn toàn trong các hoạt động hàng ngày.
1. Các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ (sa sút trí tuệ hay chứng mất trí nhớ) là một hội chứng gây ra sự suy giảm khả năng nhận thức như suy nghĩ, ghi nhớ và lý luận, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Đây là tình trạng mất chức năng não có thể do một số bệnh gây tổn thương tế bào thần kinh. Tình trạng này phổ biến hơn khi mọi người già đi, nhưng đây không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa.
Sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng đáng kể đến những người mắc bệnh, gia đình, người chăm sóc và xã hội. Sự thiếu nhận thức và hiểu biết về suy giảm trí nhớ có thể dẫn đến kỳ thị và rào cản đối với việc chẩn đoán và chăm sóc.
Dưới đây là một số nguyên gây gây suy giảm trí nhớ:
- Sa sút trí tuệ do nhiều bệnh hoặc chấn thương khác nhau gây tổn thương não, chẳng hạn như:
+ Bệnh Alzheimer: Loại sa sút trí tuệ phổ biến nhất, liên quan đến sự tích tụ protein bất thường trong não.
+ Sa sút trí tuệ mạch máu: Do lưu lượng máu đến não kém, có thể do đột quỵ, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường hoặc hút thuốc.
+ Sa sút trí tuệ thể Lewy: Các triệu chứng bao gồm các vấn đề về suy nghĩ, vận động, hành vi và tâm trạng.
+ Sa sút trí tuệ trán thái dương: Một loại hiếm gặp thường xảy ra ở những người dưới 60 tuổi.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Không bổ sung đủ một số loại vitamin hoặc khoáng chất nhất định có thể gây ra các triệu chứng suy giảm trí nhớ.
2. Thuốc có thể gây ra chứng suy giảm trí nhớ không?
Suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ là do những thay đổi trong não khiến các tế bào thần kinh và các kết nối của chúng ngừng hoạt động bình thường. Nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ tăng lên khi một người già đi và hầu hết các loại đều hiếm gặp ở những người dưới 60 tuổi.
Một số loại thuốc thông thường, nếu dùng thường xuyên, có thể là yếu tố góp phần gây ra chứng mất trí nhớ:
- Diphenhydramine (thuốc kháng histamin trị dị ứng): Diphenhydramine là một loại thuốc kháng cholinergic, ngăn chặn acetylcholine, một chất hóa học gửi thông điệp trong hệ thần kinh và tham gia vào quá trình học tập và trí nhớ… có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài.
Mặc dù các nghiên cứu đã liên kết việc sử dụng thuốc kháng cholinergic trong thời gian dài như diphenhydramine với chứng mất trí nhớ, nhưng không chứng minh rằng những loại thuốc này là nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ.
Tuy nhiên, nếu dùng diphenhydramine càng lâu và thường xuyên thì nguy cơ suy giảm trí nhớ càng cao. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người dùng hơn 50 liều diphenhydramine mỗi năm, trong 8 năm có nguy cơ mắc suy giảm trí nhớ cao hơn.
Một số loại thuốc thông thường, nếu dùng thường xuyên, có thể là yếu tố góp phần gây ra chứng suy giảm trí nhớ.
- Thuốc phiện: Sử dụng thuốc phiện thường xuyên để điều trị chứng đau mạn tính có liên quan đến việc tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ và sức khỏe não kém hơn. Việc sử dụng thuốc phiện trong độ tuổi từ 75 - 80 có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người dùng thuốc phiện bị đau mạn tính không phải do ung thư, có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn những người không sử dụng thuốc phiện.
- Omeprazole (thuốc chống tiết axit): Có một số bằng chứng cho thấy việc sử dụng omeprazole - một chất ức chế bơm proton (PPI), trong thời gian dài, có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí.
Nghiên cứu năm 2023 trên tạp chí Neurology cho thấy, những người dùng PPI trong ít nhất 4,5 năm, có nguy cơ mắc chứng mất trí cao hơn. Một nghiên cứu khác trên tạp chí JAMA Neurology cũng phát hiện ra, việc sử dụng PPI mạn tính có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí cao hơn 44% ở người lớn trên 75 tuổi. PPI có thể làm tăng lượng protein có hại tích tụ trong não của những người mắc chứng mất trí.
- Benzodiazepin (nhóm thuốc an thần): Benzodiazepin được chứng minh là ảnh hưởng đến trí nhớ. Sau khi uống benzodiazepin, trí nhớ ngắn hạn không bị ảnh hưởng, nhưng trí nhớ dài hạn bị suy giảm, có thể gây ra chứng mất trí.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí, suy giảm nhận thức, đặc biệt khi dùng trong thời gian dài. Điều này có thể là do tác dụng kháng cholinergic của TCA.
Lưu ý, do những tác dụng phụ của thuốc, trong đó có làm suy giảm trí nhớ, nên người bệnh không nên tự ý dùng, lạm dụng thuốc. Khi được bác sĩ kê đơn thuốc sử dụng cho tình trạng bệnh lý của cá nhân, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào, đối với thuốc hoặc liều lượng của thuốc.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi cần lưu ý gì?