Hà Nội

5 loại thuốc làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai

21-07-2023 06:50 | Thông tin dược học

SKĐS - Thuốc tránh thai mang lại khả năng bảo vệ cao khi được sử dụng theo chỉ dẫn. Tuy nhiên có một số loại thuốc điều trị có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai.

1. Thuốc tránh thai, biện pháp kiểm soát sinh sản hiệu quả

Có nhiều loại thuốc tránh thai khác nhau, nhưng phổ biến nhất là thuốc tránh thai đường uống.

Thông thường, các nội tiết tố có trong thuốc tránh thai là dạng tổng hợp của các nội tiết tố tự nhiên progesterone và estrogen trong cơ thể. Có loại chỉ chứa progesterone, có loại kết hợp giữa progesterone và estrogen.

6 loại thuốc làm giảm hiệu qủa của thuốc tránh thai - Ảnh 1.

Thuốc tránh thai mang lại khả năng ngừa thai cao khi được sử dụng đúng theo chỉ dẫn.

Thuốc giúp ngăn ngừa rụng trứng, đồng thời làm niêm mạc cổ tử cung dày lên, cản trở quá trình di chuyển của tinh trùng. Thuốc chỉ có progesterone sẽ làm dày lớp niêm mạc ở lối vào tử cung, ngăn cản sự rụng trứng.

Trước khi bắt đầu sử dụng hoặc có dự định sử dụng thuốc tránh thai, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa để được tư vấn và chọn loại thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Để thuốc tránh thai đường uống phát huy hiệu quả tốt nhất, cần tuân thủ các hướng dẫn sau:

  • Uống đúng giờ hàng ngày: Uống một viên thuốc vào cùng một thời điểm hàng ngày để duy trì nồng độ hormone ổn định trong cơ thể, có thể uống thuốc vào buổi sáng hoặc buổi tối.
  • Đọc hướng dẫn sử dụng: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc và tuân thủ đúng cách uống như được hướng dẫn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
  • Không uống quá liều: Uống thuốc theo liều lượng được hướng dẫn. Không uống quá một viên trong một ngày hoặc tự ý tăng liều thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Không uống cùng lúc với thuốc khác, vì có một số loại thuốc có thể tương tác với nhau và làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai.
6 loại thuốc làm giảm hiệu qủa của thuốc tránh thai - Ảnh 2.

Các thuốc điều trị có thể làm giảm hoặc tăng tác dụng của thuốc tránh thai.

2. Các thuốc làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai

Một số thuốc điều trị các bệnh khác có thể tương tác bất lợi với thuốc tránh thai dẫn đến làm giảm hiệu lực của thuốc tránh thai, làm tăng nguy cơ mang thai không mong muốn. Việc hiểu và cân nhắc các tương tác giữa thuốc bất lợi này rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả của phương pháp tránh thai và tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Dưới đây là một số loại thuốc cần lưu ý:

Thuốc kháng sinh: Hầu hết các loại kháng sinh được sử dụng phổ biến như amoxicillin, trimethoprim và erythromycin không làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai trừ khi chúng gây tiêu chảy hoặc nôn đáng kể. Trường hợp ngoại lệ là thuốc kháng sinh rifampin (được sử dụng để điều trị viêm màng não và bệnh lao) có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai.

Thuốc chống động kinh: Bao gồm phenytoin, oxcarbazepine, carbamazepine, rufinamide, topiramate, phenobarbital và primidone có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống.

Thuốc kháng virus: Một số loại thuốc kháng virus dùng để điều trị HIV và virus viêm gan C có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai. Phổ biến nhất trong số này bao gồm ritonavir, nelfinavir, nevirapin, norvir, darunavir, lopinavir, fosamprenavir, tripanavir và velfinavir.

Thuốc chống nấm: Các loại thuốc như griseofulvin được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng như tưa miệng, nấm ngoài da và bệnh nấm da chân có thể có tác động đến hiệu quả của thuốc tránh thai.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): NSAIDs là nhóm thuốc được sử dụng để giảm đau, hạ sốt và giảm viêm. Một số loại NSAIDs như ibuprofen và naproxen có thể tương tác với thuốc tránh thai. Cơ chế tương tác giữa NSAIDs và thuốc tránh thai là do cả hai loại thuốc đều ảnh hưởng đến cơ chế điều chỉnh hormone estrogen và progesterone trong cơ thể.

Vì vậy, để đảm bảo thuốc tránh thai hoạt động hiệu quả, cần thông báo với bác sĩ hoặc nhân viên y tế về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả các loại thuốc không kê đơn, để được tư vấn về tương tác và đưa ra lời khuyên phù hợp.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Vì sao dân văn phòng hay bị đau vai gáy? I SKĐS

DS. Lê Mỹ Trang
Ý kiến của bạn