1. Tamoxifen có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung
Tamoxifen thuộc nhóm thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERM), nghĩa là giúp kháng/khóa lại hormone estrogen ở một số mô của cơ thể, nhưng lại có tác dụng giống estrogen ở những mô khác.
Ở các tế bào tuyến vú, tamoxifen giúp khóa lại estrogen - loại hormone có khả năng thúc đẩy sự tăng sinh của các tế bào ung thư. Chính vì thế, tamoxifen có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
Tuy nhiên, tamoxifen lại có tác động giống estrogen ở tử cung nên có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung, bao gồm ung thư nội mạc tử cung và ung thư mô sợi (sarcoma) tử cung. Xác suất tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung khi dùng tamoxifen thường thấp (dưới 1%) và thường sẽ trở lại bình thường sau một vài năm ngưng thuốc. Phụ nữ trên 50 tuổi dễ tăng nguy cơ này hơn so với phụ nữ trẻ tuổi. Nếu đã được phẫu thuật cắt bỏ tử cung thì bạn không cần phải lo lắng vì bạn sẽ không có nguy cơ mắc hai loại ung thư này.
Người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu bị chảy máu âm đạo hoặc xuất hiện các đốm máu (đặc biệt là sau mãn kinh) trong quá trình dùng tamoxifen.
Một vài thuốc có hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị ung thư, nhưng cũng có thể gây ra những loại ung thư khác.
2. Cisplatin tăng nguy cơ ung thư máu cấp tính
Cisplatin là một thuốc ung thư chứa platin, có tác dụng độc với tế bào, chống u và có đặc tính sinh hóa tương tự như các chất alkyl hóa. Đây là một thuốc tiêm tĩnh mạch dùng trong điều trị nhiều loại ung thư tiến triển hoặc di căn bao gồm ung thư tinh hoàn, buồng trứng, bàng quang; ung thư tế bào vảy ở đầu cổ; ung thư phổi tế bào nhỏ và không tế bào nhỏ.
Dù hiệu lực của cisplatin đã được chứng minh cho những loại ung thư trên nhưng cisplatin cũng làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác, bao gồm bệnh leukemia cấp (ung thư máu cấp tính). Cần báo với bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải các dấu hiệu bao gồm: Đau xương khớp, sốt, da nhợt nhạt, chảy máu hoặc bầm tím bất thường, mệt mỏi hoặc yếu ớt bất thường, sụt cân hoặc sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách, bẹn hoặc bụng.
3. Cyclophosphamide có thể gây ung thư thứ phát
Cyclophosphamide là một tác nhân gây độc tế bào, được chỉ định trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhau như u lympho ác tính, đa u tủy, ung thư biểu mô vú, ung thư biểu mô tuyến buồng trứng... Cyclophosphamide có tác động diệt trừ ung thư bằng cách phá hủy DNA của các tế bào ung thư.
Ngoài các tác dụng phụ phổ biến như tăng nguy cơ nhiễm trùng, hụt hơi, nhợt nhạt, bầm tím, rụng tóc... cyclophosphamide còn có thể có nguy cơ gây ung thư thứ phát, điển hình nhất là ung thư máu cấp tính và ung thư bàng quang với xác suất dưới 1%.
Nguy cơ mắc ung thư do dùng cyclophosphamide có thể kéo dài trong nhiều năm, kể cả khi bệnh nhân đã ngưng dùng thuốc. Nguy cơ này phụ thuộc vào tổng thời gian và tổng liều cyclophosphamide mà bệnh nhân đã dùng.
4. Vemurafenib tăng nguy cơ mắc ung thư da
Vemurafenib là một thuốc được dùng để điều trị ung thư hắc tố da (melanoma) đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc không thể thực hiện phẫu thuật loại bỏ. Vemurafenib chỉ được dùng cho những bệnh nhân có tế bào u chứa đột biến ‘BRAF V600’.
Vemurafenib là một chất ức chế BRAF - một protein liên quan đến việc kích thích sự phân bào. Ở những khối u ung thư hắc tố da mang đột biến BRAF V600 - một dạng BRAF bất thường đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ung thư do làm phân chia các tế bào khối u không kiểm soát.
Bằng cách ức chế hoạt động của BRAF bất thường, vemurafenib giúp làm chậm sự tăng trưởng và phát tán ung thư. Tuy nhiên, một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng phổ biến nhất của vemurafenib cũng lại là một loại ung thư da khác gồm ung thư biểu mô tế bào vảy da (cutaneous squamous cell carcinoma) và u quá sản sừng (keratoacanthoma).
5. Etoposide tăng nguy cơ ung thư máu
Etoposide là một thuốc hoá trị thuộc nhóm alkaloid thực vật, có thể ức chế hoạt động của topoisomerase II - enzym cần thiết cho quá trình nhân đôi tế bào và tăng trưởng khối u. Việc khoá lại enzym này gây ra đứt gãy trong chuỗi DNA và do đó gây chết tế bào ung thư.
Etoposide được dùng trong điều trị ung thư tinh hoàn, bàng quang, tuyến tiền liệt, phổi, dạ dày, tử cung và nhiều loại ung thư khác. Điều đáng lưu ý là bệnh nhân được điều trị bằng etoposide vẫn có thể có nguy cơ thấp phát triển thành ung thư máu, ví dụ như bệnh leukemia, sau nhiều năm dùng thuốc.
Ngoài trừ 5 thuốc trên, các thuốc nói chung đều có tác dụng phụ nhất định, nhất là thuốc kê đơn. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc của bệnh nhân nên tuân theo chỉ định của bác sĩ và tư vấn kỹ càng từ dược sĩ lâm sàng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vaccine Pfizer và Moderna có thể gây những phản ứng phụ nào cho trẻ 5-11 Tuổi?