Một trong những nguy cơ có thể xảy ra khi dùng thuốc là gây rối loạn tâm thần (RLTT) với các biểu hiện rất phong phú và đa dạng, có thể từ nhẹ như trầm cảm, lo âu thoáng qua... đến nặng như gây loạn thần, lú lẫn, có ý nghĩ tự tử. Tác dụng phụ này có thể xuất hiện khi dùng thuốc kéo dài, liều cao (quá liều) nhưng cũng có khi xảy ra ở ngay liều điều trị...
Thuốc trị sốt rét mefloquin và chloroquin: Mefloquin có thể gây loạn thần, hoang tưởng, lú lẫn, ảo giác và ngay cả ý tưởng tự tử. PDEs gây tàn phế chiếm khoảng dưới 1% số trường hợp sử dụng ở liều điều trị và dưới 1/10.000 ở liều phòng ngừa. Điều này chứng tỏ PDEs có liên quan đến liều lượng. Các phản ứng thần kinh hoặc tâm thần có thể xuất hiện trong vòng vài giờ sau liều đầu tiên hoặc xảy ra trong khi điều trị nhưng cũng có khi lại xuất hiện sau 2-3 tuần ngừng thuốc. Khi dự phòng bằng mefloquin nếu thấy xuất hiện các rối loạn như lo âu, trầm cảm, kích động hoặc lú lẫn cần ngừng thuốc. Thuốc không được sử dụng cho người có tiền sử về bệnh tâm thần, động kinh và nhạy cảm với thuốc.
Chloroquin cũng gây ra các tác dụng phụ về tâm thần và thần kinh như kích động, hung hăng, quên, lú lẫn, trầm cảm, ảo giác và hưng cảm. Những thay đổi về mặt tâm thần có thể tiến triển từ từ. Các thay đổi về trí nhớ và tri giác có thể là dấu hiệu nhận biết duy nhất về tác dụng phụ trong giai đoạn tiến triển. Thời gian bán thải của chloroquin kéo dài (khoảng 1 tháng) do đó quá trình hồi phục của RLTT do thuốc này liên quan đến chloroquin có thể kéo dài nhiều ngày. Trẻ em điều trị bằng chloroquin sẽ có nguy cơ bị loạn thần cao nhất.
Thuốc metronidazol: Các tác dụng phụ thường gặp là lú lẫn, dị cảm, chóng mặt, choáng váng và mất điều hòa. Hiếm gặp hơn là tình trạng co giật và bệnh lý não. Metronidazol có thể gây độc tính cho não ngay ở liều thông thường. Tuy nhiên, tần suất tác dụng phụ này sẽ tăng (khoảng 25%) khi bệnh nhân sử dụng thuốc lâu dài hoặc với liều cao hơn. Sự tương tác giữa metronidazol và rượu gây ra hậu quả tương tự như với disulfiram sẽ càng nguy hại hơn vì làm tăng tác dụng độc trên thần kinh như loạn thần, lú lẫn...
Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid: Điều trị bằng corticosteroid có thể dẫn đến nhiều loại RLTT mà thường gặp nhất là trầm cảm, hưng cảm, lo âu, mất ngủ, hoang tưởng, ảo giác, kích động và tình trạng lú lẫn. Hiếm gặp hơn là gây hấn trầm trọng với người xung quanh, rối loạn ý thức và giải thể nhân cách. Những rối loạn này có thể xuất hiện chỉ sau 1 ngày điều trị. Có đến hơn 50% số ca tác dụng phụ này sẽ chấm dứt khi ngừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể xuất hiện trong giai đoạn cai thuốc. Ví dụ: triệu chứng mất hứng thú và mệt mỏi có thể kéo dài trong vài tuần. Nguy cơ xuất hiện RLTT cao, nhiều bệnh nhân có biểu hiện tới vài dạng RLTT. Loại corticosteroid thường gây tác dụng phụ nhất là prednisolon, dexamethason, methylprednisolon và beclomethason.
Vì thế, bệnh nhân khi sử dụng corticosteroid cần được theo dõi cẩn thận các tác dụng phụ về tâm thần và nhận thức.
Các steroids androgen đồng hóa (testosteron và các dẫn xuất tổng hợp của testosteron) có thể gây ra một số tình trạng như bốc đồng, dễ bị kích thích, hoang tưởng, trầm cảm, hưng cảm và tình trạng hung hăng xung đột (còn gọi là “cơn cuồng dại steroid”). RLTT do các steroids androgen đồng hóa thường thấy nhất ở những người lạm dụng. Hiện tượng hưng cảm nhẹ thường liên quan đến việc sử dụng androgen đồng hóa và trầm cảm chủ yếu xuất hiện khi cai thuốc. Ở những người sử dụng lâu dài dạng phóng thích chậm, tình trạng rã rời hay trầm cảm có thể xuất hiện ngay trước khi cho liều kế tiếp. Việc lạm dụng các steroids androgen đồng hóa khá phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên (9-16 tuổi).
Chất đối kháng beta-adrenergic (chất phong bế beta)
Propranolon khi điều trị với liều cao có thể gặp đau đầu nhẹ, chóng mặt, mất điều hòa, dễ bị kích thích, ảo giác, lú lẫn, mất ngủ, trầm cảm dẫn tới giảm trương lực. Khi sử dụng bằng đường uống thì trầm cảm và kích động có thể liên quan đến liều lượng propranolon. Dạng chất phong bế beta sử dụng trong nhãn khoa cũng có thể gây ra các loại RLTT này (như timolol). Một số tác dụng không mong muốn về thần kinh thường hồi phục sau khi ngừng thuốc.
Trong điều trị đa khoa, các tác dụng phụ này dễ bị bỏ qua. Đối với những người không có tiền sử bệnh tâm thần hay đang bị bệnh tâm thần sau khi điều trị nội khoa xuất hiện RLTT sẽ gây sang chấn cho bệnh nhân và gia đình. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác RLTT do thuốc và giải thích đầy đủ về tác dụng phụ của thuốc sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ để có được một thái độ tâm lý cần thiết trong điều trị. Mặt khác còn giúp bác sĩ trao đổi thông tin về tác dụng phụ đang nghi ngờ của thuốc với cơ quan giám sát tác dụng phụ của thuốc.