1. Tỏi tăng cường miễn dịch, tốt cho người mắc COVID-19
Tỏi đã được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe và được sử dụng trong y học từ rất lâu. Trong các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật cho thấy, tỏi có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm.
Trong y học cổ truyền, tỏi là vị thuốc có vị cay, tính ấm, có tác dụng giảm đau, tiêu thực, sát khuẩn, giải độc, tiêu đờm... Thường được dùng rất hiệu quả trong các trường hợp cảm cúm, đau đầu, ho, khó thở…
Vì vậy, thêm tỏi vào chế độ ăn khi bạn bị cảm lạnh, cúm hay COVID-19 vừa giúp tăng thêm hương vị của món ăn, vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh.
2. Gừng kháng virus hiệu quả
Cũng giống như tỏi, gừng là thực phẩm tuyệt vời để hỗ trợ điều trị cúm, cảm lạnh, giúp cơ thể tăng cường miễn dịch chống đỡ với bệnh tật.
Gừng có tác dụng kháng virus và kháng khuẩn hiệu quả. Nó kích thích hệ thống miễn dịch tự bảo vệ tốt hơn để chống lại các virus gây bệnh như cúm, cảm lạnh. Nhờ tác dụng chống viêm mạnh, gừng cũng có thể giúp hỗ trợ giảm đau ở người bị viêm xương khớp.
Trong Đông y, gừng là vị thuốc có vị cay, tính ấm, có công dụng phát tán phong hàn, ấm vị, chỉ nôn, hóa đờm, chỉ ho, lợi niệu, giải độc. Thường dùng để trị cảm mạo phong hàn, đau đầu, rét, tắc ngạt mũi, đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, ăn không tiêu, trị ho, đờm nhiều…
Ngoài ra, gừng tươi còn được sử dụng như một phụ liệu quý trong chế biến thuốc, làm giảm tác dụng phụ, tăng tính ấm, tăng tác dụng chữa ho của một số loại thuốc Đông y.
Cách sử dụng gừng rất đơn giản. Người bệnh có thể sử dụng gừng tươi trong nấu ăn, uống trà gừng hoặc trà gừng kết hợp với mật ong. Nên dùng các sản phẩm chứa gừng tự nhiên chứ không phải hương liệu.
3. Nghệ - gia vị chống viêm hàng đầu
Ngoài công dụng tạo màu, mùi thơm, khử chất tanh cho món ăn, nghệ còn chứa dưỡng chất curcumin với đặc tính chống viêm tự nhiên mạnh. Nghệ có tác dụng hiệu quả với một số bệnh như: viêm ruột, ung thư, đái tháo đường, viêm khớp…
Nghệ cũng là vị thuốc được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y với các công dụng khác nhau như: hỗ trợ điều trị đau dạ dày, ợ chua, ăn kém, đầy bụng, ho, cảm lạnh, hen suyễn…
4. Hành giảm đau đầu, ngạt mũi
Hành lá là gia vị phổ biến chứa nhiều tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn mạnh. Trong Đông y, hành là vị thuốc có tác dụng giải hàn, ôn thông dương khí, giải độc... Thường được dùng chữa phong hàn, cảm cúm, ho, nhức đầu, ngạt mũi, cảm sốt không ra mồ hôi…
Cách dùng hành đơn giản nhất là thái nhỏ dùng làm gia vị trộn lẫn vào thức ăn. Người bệnh có triệu chứng đau đầu, ngạt mũi, sốt không ra mồ hôi có thể ăn cháo nóng sử dụng hành lá trộn với tía tô hoặc cháo hành gừng có tác dụng giải độc, thông mũi hiệu quả.
5. Quế cải thiện hô hấp và tiêu hóa
Như nhiều gia vị khác, quế có tính chất kháng khuẩn và chống viêm. Các nhà nghiên cứu mới đây phát hiện quế rất giàu chất chống oxy hóa polyphenol giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh như bệnh tim.
Quế là loại gia vị có tính nóng, nằm trong danh sách những thực phẩm giữ ấm cho cơ thể. Do vậy, sử dụng quế rất hiệu quả trong việc phòng và điều trị các bệnh như cảm lạnh hoặc cúm.
Theo một số nghiên cứu, quế còn có tác dụng giảm các hợp chất độc hại tiềm ẩn trong cơ thể, giúp cho máu lưu thông dễ dàng. Do đó, nó giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và làm sạch đường hô hấp trong trường hợp bị cảm lạnh.
Theo y học cổ truyền, quế có công dụng phát tán phong hàn, thông kinh mạch, trừ độc khí bên ngoài xâm nhập, chữa cảm gió nhức đầu, đau mình, đau nhức xương khớp... Thường dùng chữa nhức đầu, sức đề kháng yếu, cơ thể mắc ngoại cảm phong hàn, đau bụng kinh, đau khớp…
Người bệnh nên thêm quế vào các món ăn hay sử dụng dưới dạng trà thảo mộc như trà cam quế, trà quế mật ong cũng có tác dụng làm dễ chịu, cải thiện hô hấp và tiêu hóa.
Bổ sung một số loại gia vị như: tỏi, gừng, hành, quế… trong chế độ ăn uống cho người mắc COVID-19 không chỉ giúp chống viêm, tăng cường miễn dịch mà còn có một tác dụng tuyệt vời khác là kích thích vị giác và khứu giác.
Trong trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng mất hoặc giảm vị giác và khứu giác, người bệnh nên sử dụng cách thêm vào món ăn các loại gia vị thơm, thảo mộc như: gừng, hành,quế… sẽ giúp kích thích khứu giác giúp người bệnh cảm nhận được hương vị món ăn và có thể ăn ngon hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm
Chung sống với F0: Giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách nào?