1. Bấm huyệt được thực hiện như thế nào?
Theo Y học hiện đại, bấm huyệt kích thích các huyệt đạo dẫn đến giải phóng các endorphin, serotonin tăng truyền đến não, dẫn đến các phản ứng nội tiết tố cortisol, thay đổi nồng độ hormone căng thẳng và acid lactic, ví dụ như endorphin là một chất kháng viêm tự nhiên.
Ngoài ra, bấm huyệt còn giúp tạo áp lực lên hệ thống thần kinh tự chủ, tác động lên các hoạt động của hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp... còn giúp kiểm soát được tâm lí, cảm xúc và tinh thần của người bệnh.
Theo Y học cổ truyền, bấm huyệt là dùng áp lực bằng tay để tác động lên vị trí huyệt đạo làm thúc đẩy năng lượng, khí huyết của vùng tắc nghẽn gây ra bệnh, giúp phục hồi sức khỏe và cân bằng năng lượng thông qua huyệt và kinh mạch, điều chỉnh được sự cân bằng âm dương trong cơ thể.
Bấm huyệt có thể thực hiện bằng đầu ngón tay, khớp ngón tay, khuỷu tay hay các thiết bị tùy thuộc vào vùng cần tác động.
2. Các huyệt vị có tác dụng tăng cường trí nhớ
Theo quan niệm Y học cổ truyền, suy giảm trí nhớ thường có quan hệ đến các tạng tâm, tỳ, thận. Lo nghĩ quá mức, ăn uống không điều độ sẽ làm hao tổn khí huyết khiến tâm thần không được nuôi dưỡng đủ; lao động, học tập quá độ, tuổi già cũng là những nguyên nhân khiến thận tinh hao tổn, ảnh hưởng tinh sinh tủy, mà tủy lại thông lên não.
Từ đó, ta có thể thấy rằng việc bấm huyệt theo các đường kinh, và công dụng các huyệt đặc hiệu sẽ giúp tăng cường lưu thông khí huyết, tạo áp lực bằng tay để kích thích sự lưu thông, giúp cải thiện và phục hồi tình trạng bệnh.
Tùy vào mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra công thức huyệt và vùng tác động bấm huyệt phù hợp với mỗi thể bệnh và các giai đoạn bệnh khác nhau.
Có rất nhiều nguyên tắc chọn huyệt khác nhau: Huyệt tại chỗ, huyệt ở xa, huyệt đặc hiệu, huyệt theo đường kinh của tạng tổn thương… trong đó sẽ có những huyệt đặc hiệu sau thường được áp dụng trong trị liệu.
2.1 Bách hội
Vị trí: Huyệt bách hội nằm ngay ở đỉnh đầu, là điểm giao giữa đường chạy dọc cơ thể và đường nối hai đỉnh vành tai. Cách xác định đơn giản hơn là đưa ngón cái vào hai lỗ tai, những ngón tay còn lại ôm về phía đỉnh đầu, nơi chạm giữa hai đầu ngón tay giữa chính là huyệt bách hội.
Tác dụng: Cải thiện sự tập trung, mang lại sự minh mẫn và nhận thức rõ rệt về thần chí, tăng cường trí nhớ, việc bấm huyệt nhẹ nhàng vài phút sẽ có thể thấy được sự hiệu quả.
2.2 Tứ thần thông
Vị trí: Tứ thần thông bao gồm 4 huyệt ở đỉnh đầu, có vị trí nằm xung quanh huyệt bách hội, cách huyệt bách hội phía trước, phía sau và hai bên một thốn (chiều dài của đốt giữa ngón thứ 3).
Tác dụng: Tăng cường khí huyết vùng đầu, cải thiện tinh thần, hỗ trợ điều trị mất ngủ, đau đầu, chóng mặt.
2.3 Ấn đường
Vị trí: Huyệt ấn đường nằm ở chỗ lõm giữa hai chân mày, thẳng sống mũi lên.
Tác dụng: Nâng cao tinh thần, cải thiện sự căng thẳng quá mức, mang lại sự bình tĩnh.
2.4 Thái dương
Vị trí: Nằm cạnh chỗ lõm nhất sát ngay ngoài mỏm ổ mắt xương gò má.
Tác dụng: Cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ, ngoài ra còn giảm triệu chứng đau đầu, chóng mặt.
2.5 Túc tam lý
Vị trí: Túc tam lý là huyệt nằm ở chân, cách vị trí khớp khối 3 thốn. Được xác định bằng cách: Ngồi trên ghế, cẳng chân vuông góc với đùi, dùng tay ấn nhẹ để xác định chỗ lõm phía ngoài của khớp gối. Từ vị trí lõm đo xuống cẳng chân 3 thốn (tương đương chiều rộng của 4 ngón tay).
Tác dụng: Tăng sinh khí, nuôi dưỡng huyết trong cơ thể, phục hồi ý thức, củng cố tâm trí và khiến tinh thần minh mẫn.
Thời gian bấm huyệt
Các huyệt sẽ được tác động lên 2-3 phút mỗi huyệt, tổng thời gian một liệu trình 20-30 phút, được thực hiện liên tiếp 10-14 ngày, sau đó tùy theo diễn tiến và phục hồi của bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra các phương pháp kết hợp khác.
Ngoài bấm huyệt, ta có thể phối hợp thêm xoa bóp vùng đầu bằng các kĩ thuật: Xoa, miết, phân, hợp, day... để tác động lên hệ thống thần kinh, giúp khí huyết vùng đầu lưu thông.
Mời bạn xem tiếp video:
Hậu COVID- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.