Hà Nội

5 giai đoạn hôn nhân và tác động tới sức khỏe con người

08-01-2015 08:00 | Giới tính
google news

SKĐS - Giai đoạn tình yêu nồng nàn là lúc cơ thể con người sản sinh ra nhiều “hóa chất yêu” khiến cho bản năng tình dục trỗi dậy, hai người quấn quít nhau.

Khi yêu tiến tới hôn nhân mọi người đều trải qua 5 giai đoạn. Đứng trên góc độ tâm lý, 5 giai đoạn này có tác động không nhỏ đến sức khỏe con người, kể cả thể chất lẫn tinh thần và sức khỏe tình dục.

Giai đoạn một: tình yêu nồng nàn

Nữ tiến sĩ tâm lý người Anh Linda Papadopoulos cùng các sộng sự vừa thực hiện một nghiên cứu liên quan hôn nhân và sức khỏe, công bố trên trang tin eHarmony. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát 33 triệu người Anh đang sống trong mối quan hệ hôn nhân và phát hiện, có 2% hoặc 588.000 người đã và đang thưởng thức giai đoạn một này. Giai đoạn này được đánh dấu bằng sự say mê mãnh liệt và hấp dẫn tình dục. Hiệu ứng của tình yêu nồng nàn này lên sức khỏe người bao gồm giảm cân (30%) và giảm năng suất lao động (39%). Về mặt sinh học, giai đoạn đầu hẹn hò, cơ thể cả nam lẫn nữ tạo ra nhiều hoóc-môn tình dục testosterone và estrogen. Kết quả, trên một nửa (56%) cho hay họ tăng ham muốn tình dục.

Đánh giá về hiện tượng trên, tiến sĩ Papadopoulos cho rằng ở giai đoạn đầu tất cả mọi người đều có những cảm giác nội tâm, có nghĩa, chỉ người trong cuộc mới biết. Giai đoạn tình yêu nồng nàn là lúc cơ thể con người sản sinh ra nhiều “hóa chất yêu” khiến cho bản năng tình dục trỗi dậy, hai người quấn quít nhau. Trong trạng thái nồng nàn, say đắm, ngất ngây, người ta không ngần ngại “trao và nhận”, thậm chí có người còn quên ăn, quên ngủ, chỉ biết có tình yêu. Ngoài giảm cân, nó còn làm giảm năng suất lao động nhưng không nhiều, do tâm trí người trong cuộc không tập trung. Và thú vị, trong giai đoạn này cơ thể rất dễ phát mụn, lý do testosterone tăng, phát sinh bã nhờn, vít kín lỗ chân lông và gây mụn, nhất là trứng cá mặt.

Giai đoạn hai: xây dựng

Khi sự hấp dẫn ban đầu mở đường cho hai người hiểu nhau, giai đoạn tuần trăng mật dần vơi, hai người bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng mối quan hệ hôn nhân đích thực. Theo nghiên cứu nói trên, ước khoảng 3% người Anh hiện đang trong giai đoạn thứ hai này.

Trong giai đoạn xây dựng, cơ thể bài tiết các loại hóa chất thần kinh có tên monoamines, nó làm tăng nhịp tim, kích hoạt sự khoái cảm và sao chép tính năng của các loại dược phẩm nhóm A (Class A). Hiệu ứng sinh học có thể đạt đỉnh điểm, đứng trên góc độ cảm giác “lo lắng hạnh phúc”. Có nghĩa người ta ít phải lo lắng đến mối quan hệ hiện tại. 44% những người tham gia nghiên cứu cho biết thiếu ngủ trong khi đó lại có 29 phần trăm cho hay sự chú ý của họ bị sao nhãng. Theo tiến sĩ Papadopoulos, tình yêu đã làm thay đổi, đưa con người đến gần mối quan hệ hôn nhân hơn. Vì vậy, người trong cuộc đôi khi bị “lơ đãng” nhưng lại không nhận thấy điều này. Ngoài ra, trong giai đoạn nói này, tình yêu cũng có thể làm cho giấc ngủ trở nên chập chờn, đơn giản thức để nghĩ về nhau. Và, khi cảm giác “lo lắng hạnh phúc” đến, người trong cuộc có trạng thái say tình, giống như say rượu.

Giai đoạn ba: đồng hóa

Sau khi thiết lập được mối quan hệ cho dù đúng hay chưa đúng, giai đoạn tiếp theo các cặp vợ chồng cần làm đó là chuyển sang giai đoạn đồng hóa. Trong giai đoạn này, có người cho rằng mọi cái đều sai, cần phải xem xét lại, cả hai cùng xuống thang để “đồng hóa”. May thay, phần lớn các cặp vợ chồng đều muốn tổ chức lại cuộc sống chung, làm cho nó mạnh khỏe ra, đáp ứng những mong mỏi của người kia. Các vấn đề cho tương lai của mối quan hệ hôn nhân và tạo ra ranh giới trong mối quan hệ có thể dẫn đến sự gia tăng mức độ căng thẳng. Theo nghiên cứu, có khoảng 27% số người tham gia trả lời họ đã trải qua giai đoạn này.

Tiến sĩ Papadopolous cho biết, giai đoạn thứ ba là lúc mối quan hệ đạt tới đỉnh điểm, yêu cầu suy nghĩ nghiêm túc hơn, mọi người cần biết họ đang ở đâu tại trong cuộc sống của mình và cần phải làm gì?... Đây cũng là giai đoạn người trong cuộc thực hiện những bổn phận của mình.

Giai đoạn bốn: chân thành

Theo tiến sĩ Papadopolous, trong giai đoạn thứ tư, mọi người trở nên hào phóng hơn, sẵn sàng mở lòng để bạn đời hiểu hơn. Trong giai đoạn này, con người sẽ tận dụng các phương tiện truyền thông, biểu cảm trên khuôn mặt để chỉnh sửa cuộc sống bản thân, làm cho mọi thứ đều tốt. Tuy nhiên, việc mở lòng hoàn toàn có thể làm gia tăng cảm giác nghi ngờ và nguy có bị tổn thương, khoảng 15% đối với những người tham gia.

Chính vì vậy mà trong giai đoạn ba và bốn nguy cơ gia tăng stress của người trong cuộc là có thật. Đổi lại cái được lớn hơn, nhất là cảm giác hạnh phúc và sự hài lòng. Ngược lại, nếu mối quan hệ diễn biến xấu, người trong cuộc càng bị stress cao nhưng nó lại diễn ra theo những cách khác nhau. Trong giai đoạn này, khả năng tha thứ cao hơn bởi thực tế không ai hoàn hảo, đặc biệt khi nó diễn ra trong thời điểm này.

Giai đoạn năm: ổn định

Bất cứ cặp vợ chồng nào đã trải qua ghềnh thác, giống như sau khi đi hết tua vòng quay bánh xe giải trí, giờ đây họ bình tĩnh trở lại, tin tưởng nhau hơn, chung sống với nhau đến hết đời. Những người mới kết hôn không bao giờ hiểu được giai đoạn thứ 5 này, khi tất cả những gian nan bỏ lại phía sau. Giờ đây không còn tranh cãi thắng thua, hay đòi hỏi mong muốn của mình. Thậm chí có người còn muốn tình yêu hồi sinh, họ tin ở chính mình và bạn đời, hôn nhân giúp cuộc sống đỡ đơn điệu và nhàm chán hơn. Và, khi con cái đã trưởng thành, yên bề gia thất, cả hai có thêm thời gian để chăm sóc cho tình yêu nên mối tình thêm bền chặt.

Theo nghiên cứu, có trên 50% số người được hỏi trả lời, họ đã tới giai đoạn này, và 23% thực sự cảm thấy hạnh phúc. Về mặt sinh học, trong giai đoạn thứ năm cơ thể con người (cả hai giới) bài tiết một loại hoóc-môn rất tiềm ẩn có tên vasopressin, nhất là khi cực khoái, có tác dụng tăng cường cảm xúc hôn nhân. Ngoài ra, cơ thể còn bài tiết một loại hoóc-môn khác có tên oxytocin, từng được tiết ra trong giai đoạn thai kỳ ở phụ nữ cũng có tác dụng tăng cường cảm xúc yêu thương, giúp tình yêu thêm bền chặt.

Khắc Hùng (Theo DM- 12/2014)

 


Ý kiến của bạn