Nguyên nhân là do tuổi cao sức đề kháng suy giảm nên khả năng thích nghi với thay đổi của môi trường thời tiết cũng diễn ra chậm chạp, do đó thời tiết nắng nóng tác động nhiều đến sức khỏe và bệnh tật của người cao tuổi.
Người cao tuổi cần lưu ý những điều sau để không bị ốm và khỏe mạnh trong mùa nắng nóng.
- Người cao tuổi cần uống đủ nước
Nắng nóng dễ đổ mồ hôi do vậy có thể dẫn đến tình trạng mất nước, từ đó máu sẽ đặc hơn. Nếu người cao tuổi ít uống nước hoặc ngại uống nước dẫn đến mất nước, thiếu nước nghiêm trọng. Điều này càng không tốt vì nắng nóng làm các mạch máu trên cơ thể giãn ra, tim phải làm việc gắng sức sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt với người cao tuổi mắc các bệnh lý về động mạch vành, tăng huyết áp, dễ gây đột quỵ tim, nguy cơ tử vong cao.
Mặt khác, nắng nóng nếu thiếu nước, mất nước thì cơ chế tự điều chỉnh ở người cao tuổi khó khăn nên sẽ xuất hiện trạng thái mệt mỏi, chân tay run rẩy, dễ cáu gắt. Những trường hợp không bù đủ lượng dịch do cơ thể mất nước dễ gây trụy tim mạch (hay gặp ở người huyết áp thấp).
Theo khuyến cáo, người cao tuổi cần uống đủ nước, nhu cầu nước trung bình 8 cốc/ngày (1,5 – 2,0 lít), nên uống làm nhiều lần, không uống quá nhiều một lúc. Cần uống đủ ngay cả khi không khát vì cơ thể người già kém nhạy cảm về các thụ thể khát.
Lưu ý, khi đang khát không nên uống nước đá, nước lạnh vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với thân nhiệt sẽ không tốt cho sức khỏe, dễ bị viêm họng, sặc vào đường hô hấp. Nước uống phù hợp nhất là nước nấu sôi để nguội ở môi trường tự nhiên, phù hợp với nhiệt độ cơ thể. Có thể uống các loại nước ép trái cây nhưng lưu ý ép xong uống ngay tránh để quá lâu dễ bị hư hỏng nhiễm vi khuẩn do trời nóng.
- Tránh nắng gắt, cần làm việc, luyện tập vừa phải
Ở người cao tuổi nếu làm vườn thì cần lao động, làm việc nhẹ nhàng. Lên lịch làm công việc ngoài trời vào thời gian mát hơn trong ngày nắng nóng nhiều thì nên nghỉ. Buổi sáng lao động sớm nghỉ sớm, buổi chiều nắng nóng dịu dần lao động muộn hơn.
Ở một số người tham gia tập thể dục cũng cần tránh khi ánh nắng gắt, nên tập thể dục vào buổi sớm, tránh tập thể dục khi ngoài trời vẫn nắng nóng.
Thời gian khuyến cáo mùa hè là trước 9 giờ sáng và sau 17 giờ chiều, tránh thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao từ 10 giờ - 16 giờ. Nên tập trong nhà, phòng tập thay vì tập ngoài trời khi nền nhiệt quá cao.
Cần chọn nơi tập không khí lưu thông thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp không tập quá sức vì dễ kiệt sức, choáng, thậm chí mất nước, sốc nhiệt. Nên tập thể dục nhẹ nhàng, giảm tiết xuất mồ hôi. Mặc quần áo sạch sẽ, rộng thoáng, có gam màu tươi sáng để dễ tỏa nhiệt.
- Cần chia nhiều bữa nhỏ trong ngày
Nắng nóng ngay cả người khỏe mạnh cũng chán ăn, chủ yếu uống, ăn cơm chan canh nên người cao tuổi cũng vậy. Điều này dẫn đến tình trạng ăn ít, ăn không đủ chất dinh dưỡng khiến cho sụt cân, giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh lây nhiễm. Chính vì vậy, người cao tuổi nên chia nhỏ bữa ăn thành 5, 6 bữa trong ngày.
Các món ăn nên được thay đổi cách thức để tạo cảm giác thèm ăn. Người cao tuổi tránh ăn quá no một lần để tránh bị khó tiêu, đặc biệt bữa ăn tối nên cách xa giờ ngủ ít nhất 3 tiếng đồng hồ.
- Chế độ ăn giàu thực vật, bổ sung vitamin và khoáng chất
Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng với người cao tuổi, nên có chế độ ăn tích cực, ăn đủ chất dinh dưỡng. Theo khuyến cáo của các nhà dinh dưỡng, người cao tuổi cần có chế độ ăn hàng ngày có nhiều rau, củ, quả và giảm bớt thịt. Không nên ăn nhiều nội tạng động vật như tim, gan, lòng, dạ dày...
Nên ăn các loại cá, tôm, cua nhiều hơn, giảm bớt chất béo, trong bữa ăn. Không ăn quá nhiều chất ngọt. Không nên ăn mặn, chua quá… Cụ thể, ăn nhiều cá biển, cá nước ngọt, vịt, ba ba …
Ăn nhiều rau xanh, canh mát giải nhiệt, hoa quả vì rau xanh có nhiều chất xơ, khoáng chất, sinh tố như xà lách, cải bẹ, giá đậu xanh, dền, mồng tơi, rau muống, khổ qua, rau má, mã đề, bồ ngót, bầu, bí …
Ăn nhiều các loại quả giàu sinh tố như: cam, chanh, bưởi, chuối, nho, đu đủ, cà chua, dưa hấu để bồi bổ và tăng sức chống bệnh.
Hàng ngày uống thêm một số nước mát để bồi bổ cơ thể như nước đậu đen, xanh, hạt sen, nước yến, sắn dây, sữa tươi, sữa đậu nành, nước dừa… Thức ăn nên nấu mềm, tránh ăn quá mặn nhất là người có bệnh tim mạch hoặc bệnh thận.
Lưu ý, thức ăn tránh nêm nếm nhiều muối vì sẽ tăng nhu cầu nước nhiều hơn nhất là những người có bệnh tăng huyết áp, cũng như hạn chế sử dụng các gia vị như gừng, ớt, hạt tiêu khi chế biến. Nếu người cao tuổi mắc đái tháo đường tránh dùng nhiều đường và cần ăn uống theo khuyến cáo riêng của bác sĩ.
- Cần khám sức khỏe định kỳ
Do nắng nóng nên nhiều người ngại không đi khám hoặc tái khám nhất là người có tuổi. Điều này thật nguy hại, vì đa phần người cao tuổi thường xuyên mắc rất nhiều loại bệnh khác nhau. Ở người có tuổi do sự suy giảm sức đề kháng và hệ thống tiêu hóa nên thường xuyên mắc các bệnh như huyết áp, tim mạch, xương khớp...
Vì vậy, việc khám định kỳ và tái khám rất quan trọng khi chăm sóc người cao tuổi nhằm mục tiêu phát hiện sớm các bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời giúp hạn chế hoặc điều trị kiểm soát bệnh.
Các vấn đề sức khỏe hay gặp ở người cao tuổi khi trời nắng nóng
Tăng thân nhiệt bất thường, mất nước, mất các chất khoáng do đổ nhiều mồ hôi, sốc nhiệt, rối loạn tiêu hóa do ăn phải thức ăn bị ôi thiu, suy dinh dưỡng do ăn kém vì nóng nực.
Các bệnh nền diễn biến phức tạp dễ bị trở nặng như bệnh phổi mạn tính vào đợt bội nhiễm cấp do trời nóng thích uống nước lạnh, tắm nước lạnh, nằm phòng lạnh, để quạt gió thổi thẳng vào mặt, huyết áp tăng vọt, thiếu hụt lượng máu đến não, trụy tim mạch, đột quỵ…
Mời độc giả xem thêm video:
Nắng Nóng Khiến Nhiều Người Bị Nhiễm Nấm, Viêm Da -SKĐS