Hà Nội

5 điều có thể bạn chưa biết về loại thuốc ngừa HIV hiệu quả - PrEP

22-10-2024 16:03 | Dược

SKĐS - Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa HIV, ngoài bao cao su, còn có một phương pháp phòng ngừa HIV hiệu quả lên đến 99%, bạn đã biết chưa?

1. PrEP là một công cụ hiệu quả để phòng ngừa HIV

PrEP là viết tắt của "Pre-Exposure Prophylaxis", tức là dự phòng trước phơi nhiễm. Đây là một phương pháp dùng thuốc để ngăn chặn HIV trước khi virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Nếu được sử dụng đều đặn hàng ngày, PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ 92% đến 99% qua đường tình dục.

PrEP bao gồm thuốc có thành phần chính là tenofovir và emtricitabine, hai loại thuốc kháng virus HIV, ngăn chặn virus xâm nhập và lây lan trong cơ thể. Trong nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn PrEP đã được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả khi dùng đúng cách.

5 điều có thể bạn chưa biết về loại thuốc ngừa HIV hiệu quả - PrEP- Ảnh 1.

PrEP an toàn và hiệu quả của nó khi dùng đúng cách.

2. PrEP không phải là vaccine

Cho đến nay vẫn chưa có vaccine hiệu quả để phòng ngừa HIV nhưng PrEP không phải là vaccine, tức là, nó không phải là mũi tiêm một lần giúp bạn miễn nhiễm với HIV trong suốt quãng đời còn lại. Thay vào đó, nó có dạng viên uống hoặc tiêm tại cơ sở y tế.

3. PrEP dành cho bất kỳ ai có nguy cơ mắc HIV

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm HIV, bất kể tuổi tác, giới tính, khuynh hướng tình dục hoặc quan hệ tình dục với ai. PrEP dành cho bất kỳ ai có nguy cơ cao nhiễmHIV, lây lan qua tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo, dịch trực tràng, máu và sữa mẹ.

Nếu bạn đang hoạt động tình dục và không bị nhiễm HIV, hãy trao đổi với bác sĩ về việc liệu PrEP có phù hợp với bạn không. Bác sĩ có thể đề nghị dùng PrEP nếu:

- Bạn đã quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo trong vòng 6 tháng qua và có bạn tình bị nhiễm HIV; không sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục; đã bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) trong vòng 6 tháng qua.

- Bạn tiêm chích và có bạn tiêm chích bị nhiễm HIV; chia sẻ kim tiêm, ống tiêm hoặc các thiết bị tiêm thuốc khác.

- Bạn đã được kê đơn thuốc dự phòng sau phơi nhiễm (PEP, một loại thuốc khẩn cấp được dùng để ngăn ngừa HIV sau khi có khả năng phơi nhiễm).

4. PrEP và các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Điều quan trọng cần nhớ là PrEP chỉ ngăn ngừa HIV và không ngăn ngừa lây truyền STI (bệnh lây truyền qua đường tình dục) nào khác. Sử dụng bao cao su vẫn là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất đối với nhiều loại STI khác nhau.

Hầu hết các STI đều có thể điều trị bằng thuốc, vì vậy xét nghiệm thường xuyên giúp chúng ta và bạn tình biết được tình trạng sức khỏe tình dục của mình và tiếp cận điều trị nếu cần. Khi chúng ta chăm sóc sức khỏe tình dục của mình bằng PrEP, bao cao su và xét nghiệm thường xuyên sẽ giúp bản thân, bạn tình và cộng đồng của mình bằng cách ngăn ngừa sự lây lan của STI và HIV.

5 điều có thể bạn chưa biết về loại thuốc ngừa HIV hiệu quả - PrEP- Ảnh 2.

Hiện có nhiều lựa chọn phòng ngừa HIV, chúng ta có thể chọn sử dụng bất kỳ phương pháp nào hiệu quả nhất đối với mình.

5. PrEP có an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú?

Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, liệu PrEP có thể gây hại cho bạn hoặc em bé hay không? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc PrEP an toàn để sử dụng trong những thời điểm này (hiện tại, không khuyến khích tiêm thuốc trong khi mang thai hoặc cho con bú.)

Nếu bạn đang dùng PrEP và mang thai, hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa về việc bạn có còn nguy cơ nhiễm HIV hay không. Họ có thể giúp xác định xem bạn có nên tiếp tục dùng PrEP trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh hay không.

Có thể nói, trước khi có các phương pháp điều trị hiệu quả, nhiễm HIV gần như đồng nghĩa với việc dẫn đến AIDS (giai đoạn cuối của nhiễm HIV), gây suy giảm miễn dịch nặng và dẫn đến tử vong do các bệnh cơ hội.

Cùng với sự xuất hiện của PrEP kết hợp với sự phát triển của thuốc ARV và các phương pháp điều trị hiện đại đã giúp thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và kiểm soát HIV. HIV đã trở thành một bệnh mạn tính có thể kiểm soát. Người nhiễm HIV nếu điều trị sớm và đều đặn có thể sống mà không tiến tới giai đoạn AIDS.

Do đó, HIV không còn là một "án tử" như trước đây mà trở thành một bệnh mạn tính, tương tự như các bệnh như đái tháo đường hay cao huyết áp, khi người bệnh cần điều trị lâu dài nhưng vẫn có thể duy trì cuộc sống bình thường.

PrEP là một cách hiệu quả để ngăn ngừa lây truyền HIV, nhưng chắc chắn không phải là cách duy nhất. Hiện có nhiều lựa chọn phòng ngừa HIV, chúng ta có thể chọn sử dụng bất kỳ phương pháp nào hiệu quả nhất đối với mình nhưng cần nhớ rằng phòng ngừa vẫn luôn là chìa khóa trong cuộc chiến với đại dịch.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Xét Nghiệm HIV tại cộng đồng Và tự xét nghiệm | SKĐS

DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn