Hà Nội

5 điều cần thực hiện ngay khi số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng

10-09-2023 14:43 | Y học 360

SKĐS - Trong tuần qua cả nước ghi nhận gần 4.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 75.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết dengue khi nào cần xét nghiệm?Sốt xuất huyết dengue khi nào cần xét nghiệm?

SKĐS - Sốt xuất huyết dengue đang có dấu hiệu gia tăng và đã có trường hợp bệnh nhi ở Đồng Nai tử vong do sốt xuất huyết.

Được biết type virus sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây. Trước tình hình số ca sốt xuất huyết gia tăng, việc phòng bệnh để giảm nguy cơ tử vong khi mắc bệnh là vô cùng quan trọng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết sẽ gây sốt cao, phát ban, đau nhức trầm trọng ở cơ và khớp. Sốt xuất huyết nặng có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Vì vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như sau:

1. Cần vệ sinh nơi ở, văn phòng không cho muỗi sinh sống

Hiện nay, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tránh để bị muỗi đốt và diệt muỗi. Vì vậy, cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng, không để bụi rậm quanh nhà.

Sử dụng vợt diệt muỗi, bình xịt muỗi, đốt hương muỗi. Mở cửa cho các cộng tác viên y tế phun hóa chất diệt muỗi bên trong nhà khi có dịch bệnh.

2. Cần sử dụng các biện pháp diệt lăng quăng

Cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

- Cần cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng hàng ngày.

- Cần súc rửa hồ, phuy, lu, xô chứa nước trước khi thay nước mới.

- Cần lật úp các xô, chậu… khi không dùng đến.

- Cần dọn dẹp vật phế thải và nơi đọng nước quanh nhà.

- Thả cá bảy màu vào dụng cụ chứa nước lớn như hồ nuôi cá cảnh.

5 điều cần thực hiện ngay khi số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng - Ảnh 2.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra.

3. Tránh muỗi đốt

Muỗi là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, hay đốt nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể bơi, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây, ở các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, vì vậy, việc tránh muỗi đốt để không lây sốt xuất huyết là biện pháp tốt nhất, cụ thể:

- Ngủ màn kể cả ban ngày.

- Không ngồi chỗ tối lờ mờ.

- Mặc quần dài, áo tay dài, mang tất.

- Dùng kem thoa xua muỗi.

4. Cần phát hiện bệnh sốt xuất huyết sớm

Hiện có rất nhiều ca sốt xuất huyết, vì vậy, khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn… hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám chẩn đoán bệnh.

Đối với người bệnh sốt xuất huyết được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà, cần chú ý theo dõi những dấu hiệu trở nặng (thường từ ngày thứ ba, thứ tư của bệnh):

- Lừ đừ, bồn chồn, vật vã, li bì.

- Lạnh tay chân, thường là vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, nhất là khi vừa hết sốt.

- Nôn ói nhiều.

- Đau bụng liên tục.

- Chảy máu bất thường: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, rong kinh rong huyết, nôn ra máu, tiêu phân đen.

Khi gặp những dấu hiệu trên, nhất là trẻ em, phải đưa đến cơ sở y tế ngay để được chăm sóc và điều trị kịp thời.

5. Chăm sóc đúng khi mắc sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị: Từ 7 - 10 ngày, tính từ ngày sốt đầu tiên.

Người bệnh có thể điều trị tại nhà sau khi được bác sĩ chuyên khoa khám, xét nghiệm và tư vấn kỹ kế hoạch điều trị.

Để mau khỏi và tránh biến chứng, người bệnh cần được chăm sóc đúng bằng cách uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo loãng với muối.

Cảm giác chán ăn, miệng đắng khi bị sốt là dấu hiệu dễ thấy nhất, gây khó chịu cho người mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em. Hãy cho bệnh nhân ăn các loại cháo loãng hoặc súp để dễ hấp thu và có nhiều dưỡng chất.

Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết đang trong giai đoạn bú mẹ, người mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn ngày thường, để tăng cường sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ. Khi cho trẻ ăn, nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, uống thêm nước, không nên cho trẻ ăn dồn dập.

Trong thời điểm này, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các món ăn giàu đạm từ trứng, thịt, sữa, thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm có trong thịt bò, gà... để tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ chống lại bệnh sốt xuất huyết.

Khi người bệnh sốt cần lau người bằng nước ấm, uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4 - 6 giờ. Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt, vì có thể gây sốt xuất huyết, toan máu.

Mời độc giả xem thêm video:

2 Sai Lầm Nghiêm Trọng Khi Điều Trị Sốt Xuất Huyết Tại Nhà, Chuyên Gia Chỉ Rõ |SKĐS

BS Trần Văn Nam
Ý kiến của bạn