5 dấu hiệu ở da tố bạn dị ứng thuốc

26-06-2015 07:21 | Dược
google news

SKĐS - Thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh thuốc có thể gây ra những bất lợi cho người sử dụng,

Thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh thuốc có thể gây ra những bất lợi cho người sử dụng, còn gọi là tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra hay tác dụng phụ của thuốc. Dị ứng thuốc là một trong những tác dụng phụ của thuốc. Một số biểu hiện ngoài da của dị ứng thuốc sau cần lưu ý:

Mày đay

Là triệu chứng hay gặp nhất của dị ứng thuốc. Sau khi dùng thuốc (nhanh có thể vài phút, chậm có thể hàng ngày) người bệnh có cảm giác nóng bừng, râm ran một vài chỗ trên da như côn trùng đốt, rất ngứa và ở những vùng đó xuất hiện những sẩn phù màu hồng nhạt đường kính vài milimet đến vài centimet thường là hình tròn, ít khi đơn độc, hay xuất hiện nhiều nơi, có khi tụ thành từng đám, tại những nơi có tổ chức dưới da chắc hơn như lòng bàn tay, bàn chân, đầu … Các loại thuốc đều có thể gây tình trạng mày đay, nhưng hay gặp hơn cả là kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, vaccin, huyết thanh, vitamin ….

Biểu hiện hồng ban đa dạng và mày đay ngoài da do dị ứng thuốc.

Ban đỏ

Là dạng ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình và có thể liên kết lại với nhau tạo thành mảng, người bệnh thường ngứa, thời gian xuất hiện sau dùng thuốc thường khoảng 1 tuần và tồn tại đến một vài tuần. Những thuốc hay gây dị ứng dạng này là các kháng sinh như ampicillin, amoxycillin, cotrimoxazole, cefaclor...

Đỏ da toàn thân

Là hội chứng gồm có viêm đỏ da toàn thân hay đỏ da trên diện rộng, đồng thời có bong vẩy nhưng triệu chứng đỏ da là quan trọng nhất. Người bệnh sốt cao, ngứa khắp người, nổi ban đỏ và tiến triển nhanh chóng thành đỏ da toàn thân, đồng thời da bong vẩy, có khi vẩy như phấn thành từng mảng. Kẽ tay, kẽ chân, có thể bị nứt và chảy nước vàng, đôi khi bội nhiễm có mủ.

Hồng ban đa dạng

Là hội chứng có ban đỏ, sẩn, mụn nước và bọng nước, tiến triển cấp tính. Bệnh bắt đầu vài ngày sau khi dùng thuốc với biểu hiện: người bệnh sốt nhẹ và mệt mỏi, đau khớp và xuất hiện ban, sẩn, đôi khi có mụn nước và bọng nước trên da.

Da nhạy cảm với ánh sáng

Bình thường da không nhạy cảm với ánh sáng. Khi dùng một số loại thuốc thì da trở nên tăng nhạy cảm với ánh sáng và bị tổn thương như: đỏ da giống bỏng, sạm da, đen da hoặc mất sắc tố da… Vị trí ở các vùng da hở như: mặt, cổ, mu bàn tay, mu bàn chân. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng và thời gian tiếp xúc với ánh nắng. Mẫn cảm với ánh sáng có thể là hậu quả của việc sử dụng thuốc bôi tại chỗ, hoặc cũng có thể là do dùng thuốc theo đường toàn thân...

Vì vậy, trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần biết phát hiện ra các biểu hiện bất thường, thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử trí kịp thời.

Bác sĩ Lê Xuân Bách

 

 


Ý kiến của bạn