Hà Nội

5 dấu hiệu cảnh báo suy tim

09-04-2020 11:14 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Suy tim là một thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng tim không đáp ứng được với khối lượng công việc của nó và không bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả.

Điều đáng lo ngại là căn bệnh nguy hiểm này ngày càng gia tăng nhanh chóng. Theo các nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân suy tim tử vong sau 5 năm. Vì vậy, nắm được các kiến thức cơ bản về bệnh suy tim giúp phát hiện và điều trị kịp thời.

Suy tim là gì?

Ta có thể hình dung trái tim như 1 cái bơm có chức năng giãn ra để nhận máu và co bóp để bơm máu đi nuôi cơ thể. Suy tim là khi tim bị giảm khả năng giãn để nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc giảm khả năng co bóp (suy tim tâm thu) dẫn đến giảm lượng máu cần thiết đi nuôi cơ thể và ứ trệ máu ở phổi và ngoại biên.

Suy tim không có nghĩa là tim ngừng đập, chỉ là sức bơm của tim yếu đi, không cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng cho cơ thể. Khi đó, cơ thể của bạn có thể gặp phải các vấn đề sau:

Tim không bơm đủ máu, cơ thể không nhận được đầy đủ ôxy và chất dinh dưỡng khiến người bệnh bị mệt mỏi triền miên.

Máu bị ứ lại trong tim và trong các mô của cơ thể. Khi đó, dịch tích tụ trong cơ thể, làm sưng bàn chân, mắt cá chân và ống chân. Dịch cũng tích tụ trong phổi gây ho phù khó thở. Tình trạng này gọi là “phù phổi”.

Tất cả các bệnh về tim mạch như bệnh mạch vành, cao huyết áp, bệnh van tim, bệnh cơ tim, tim bẩm sinh, loạn nhịp tim... đều có thể dẫn đến suy tim.

Dấu hiệu cảnh báo suy tim

Giai đoạn đầu khi các bệnh tim mạch chuyển suy tim, các dấu hiệu triệu chứng rất khó nhận biết nên nhiều người bệnh đã đánh mất đi cơ hội được chữa trị sớm. Các triệu chứng bệnh suy tim biểu hiện tùy theo mức độ của bệnh, từ kín đáo đến nặng nề, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng điển hình của suy tim như:

Khó thở: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của suy tim. Biểu hiện khó thở có thể xảy ra khi gắng sức, khi nằm hoặc tư thế đầu thấp ở người này nhưng với người khác chỉ cần đi bộ, leo cầu thang, tắm giặt cũng khó thở. Khi suy tim độ 3 - 4, người bệnh khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

Mệt mỏi: Người bệnh luôn cảm thấy kiệt sức hoặc mệt mỏi ngay cả khi thực hiện những hoạt động thường nhật và đơn giản như: khi sinh hoạt cá nhân, đi lại, leo cầu thang...

Ho: Ho khan, ho dai dẳng, ho từng cơn, khó khạc đờm, không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu cho thấy suy tim đang tiến triển khiến máu bị ứ lại ở phổi. Giai đoạn đầu của suy tim, các triệu chứng này rất dễ bị nhầm với các bệnh về đường hô hấp khác.

Phù: Suy tim mức độ nhẹ, nặng ở hai mí mắt khi ngủ dậy. Khi bệnh tiến triển thường gặp phù ở chân, thường ở mắt cá chân, bàn chân, giày dép buổi sáng đi vừa nhưng đến chiều thấy chật hơn.

Nhịp tim nhanh: Khi suy tim, cơ thể bù đắp lại lượng máu bị thiếu hụt bằng cách tăng nhịp tim để duy trì lưu lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Nhịp nhanh làm cho người bệnh có cảm giác trống ngực, hồi hộp, đau tức ngực, nặng ngực, ngộp thở.

Điều trị

Điều trị được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa nội, tim mạch. Cần kiểm soát tốt bệnh kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạnh vành, rối loạn lipid máu...

Ban đầu, điều trị suy tim nhằm mục đích giảm triệu chứng của suy tim (chủ yếu là khó thở và phù). Tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn của suy tim, các bác sĩ sẽ chỉ dùng thuốc hoặc có thêm các biện pháp hỗ trợ tích cực như thở ôxy, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở.

Điều trị căn nguyên gây suy tim cùng với việc điều trị triệu chứng. Việc điều trị nguyên nhân rất quan trọng, có thể tiến hành ngay nếu có thể (suy tim do truyền nhiều dịch, do tràn dịch màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim cấp, thiếu vitamin B1, suy hoặc cường chức năng tuyến giáp...) hoặc sau khi triệu chứng suy tim đã ổn định và tình trạng bệnh nhân cho phép.

Khi suy tim nặng lên, đáp ứng kém với điều trị nội khoa, có thể áp dụng các kỹ thuật sau: cấy máy tái đồng bộ thất trái (CRT), cấy máy khử rung tự động (ICD), thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD), ghép tim và gần đây nhất là tim nhân tạo toàn bộ. Các kỹ thuật này chỉ áp dụng ở viện lớn bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh suy tim

Người bệnh suy tim nên tập thể dục đều đặn vừa sức nhưng cần tránh vận động quá sức; Kiêng rượu bia, các chất kích thích, bỏ thuốc lá; Hạn chế muối, đường ở mức thấp nhất; Hạn chế ăn chất béo; Tránh bị stress, xúc động mạnh, tránh mất ngủ; Duy trì cân nặng lý tưởng và kiểm tra cân nặng thường xuyên... Ngoài ra, cần tuân thủ mọi điều trị của bác sĩ, dù khỏe nhiều hay không có triệu chứng cũng không được tự ý dừng thuốc, thay đổi liều lượng hay uống bất kỳ loại thuốc nào khác.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần giúp phát hiện sớm nhất các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh cũng như các bệnh lý có thể dẫn đến suy tim.


BS. Nguyễn Quang Anh
Ý kiến của bạn