Hà Nội

5 'đại huyệt' nên xoa ấn hàng ngày để xua tan bách bệnh

SKĐS - Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt là những phương pháp chữa bệnh có từ rất sớm của phương Đông. Ngoài tác dụng điều trị bệnh, xoa ấn các huyệt vị cũng có tác dụng dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe.

Xoa ấn huyệt tác động vào huyệt vị ở bên ngoài có thể cải thiện công năng tạng phủ ở bên trong thân thể.

Dưới đây là năm huyệt vị quan trọng nếu có thể thường xuyên day ấn sẽ cho tác dụng rất tốt điều chỉnh công năng của ngũ tạng.

1. Xoa ấn huyệt Thái xung tăng cường chức tạng can

Can chủ về tàng huyết, chủ về sơ tiết, chủ cân, khai khiếu ra mắt, vinh nhuận ra móng tay, móng chân.

Thái xung theo Đông y là huyệt du, huyệt nguyên của kinh can, là huyệt quan trọng bậc nhất trên kinh can, có tác dụng bình can tức phong, thanh nhiệt lợi thấp, thông lạc chỉ thống.

Khi thường xuyên day ấn huyệt thái xung sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh tật liên quan đến tạng can như các chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, mắt đỏ, đau họng…; các chứng kinh nguyệt không điều hòa, đau bụng kinh, bế kinh; vàng da, vàng mắt, đau ngực sườn, đắng miệng…

Theo nghiên cứu y học hiện đại, huyệt Thái xung còn có tác dụng tốt trong điều trị các trường hợp tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt, viêm gan, viêm tuyến vú, viêm đường tiết niệu…

Vị trí huyệt Thái xung: Ở khe xương bàn ngón 1 - 2 chân. Bàn chân để bằng phẳng, từ huyệt hành gian lên 2 thốn (có sách nói 1,5 thốn) trước gốc 2 xương bàn chân giáp nhau.

huyet thai xung

Vị trí huyệt thái xung.

2. Xoa ấn huyệt Thiếu phủ bồi bổ tạng tâm

Tạng tâm đứng đầu các tạng, có tâm bào lạc bảo vệ bên ngoài, phụ trách các hoạt động về thần chí, huyết mạch, khai khiếu ra lưỡi biểu hiện ra ở mặt.

Thiếu phủ là huyệt rất quan trọng trên kinh tâm, theo Đông y có tác dụng phát tán tâm hỏa, người hàn có thể dùng phép châm bổ, hoặc dùng ngải cứu, người nhiệt có thể dùng phép châm tả giúp thanh nhiệt.

Huyệt Thiếu phủ có tác dụng điều trị các chứng rối loạn thần kinh tim, tim hồi hộp, ngực đau, ngứa hạ bộ, tiểu tiện khó, đái dầm, lòng bàn tay nóng.

Theo nghiên cứu y học hiện đại, huyệt Thiếu phủ có tác dụng điều hòa nhịp tim, điều trị cơn đau thắt ngực, đau thần kinh liên sườn, đau đám rối thần kinh cánh tay…

Vị trí: Khi nắm bàn tay, đầu khe ngón út và ngón nhẫn chiếu vào lòng bàn tay, chỗ khe xương bàn tay 4 - 5 là huyệt.

huyệt thieu phu

Huyệt thiếu phủ trên lòng bàn tay.

3. Xoa ấn huyệt Thương khâu dưỡng tạng tỳ

Tạng tỳ ở trung tiêu, chủ về vận hoá nước và đồ ăn, thống huyết, chủ cơ nhục và tứ chi, khai khiếu ra miệng, vinh nhuận ở môi.

Huyệt Thương khâu là huyệt thứ 5 trên kinh tỳ, có các tác dụng kiện Tỳ hóa thấp, thông điều trường vị. Huyệt Thương khâu ngoài tác dụng tại chỗ điều trị chứng đau vùng mắt cá chân còn thường được ứng dụng trong các chứng thuộc hệ tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm ruột, tiêu hoá kém.

Vị trí: Chỗ lõm trước và dưới mắt cá trong chân, ở giữa đường nối từ lồi xương thuyền và chỗ nhọn mắt cá trong chân.

huyet thuong khau

Xoa ấn huyệt thương khâu trên bàn chân.

4. Xoa ấn huyệt Hợp cốc tác dụng tốt với tạng phế

Phế chủ hô hấp, chủ khí, có tác dụng tuyên phát và túc giáng, khai khiếu ra mũi và bên ngoài hợp với bì mao (da lông). Hợp cốc là một huyệt quan trọng thường xuyên được sử dụng trong châm cứu. Ngoài tác dụng tại chỗ, tác dụng với tạng phế, huyệt này còn có nhiều tác dụng toàn thân quan trọng.

Theo Đông y, huyệt Hợp cốc có tác dụng sơ tán phong tà, khai quan thông khiếu, hòa vị thông trường, điều kinh, với tạng Phế huyệt có tác dụng giúp thanh tiết phế khí.

Phạm vi ứng dụng của huyệt Hợp cốc rất rộng, từ các chứng trúng phong, khẩu nhãn oa tà, đến các chứng như kinh bế, đau mắt, ù tai, đau răng… Đối với tạng Phế, huyệt Hợp cốc có tác dụng thanh giải Phế nhiệt, tăng cường khả năng miễn dịch của phế và đại trường.

Vị trí: Ở mu bàn tay, khe đốt bàn ngón 1 - 2.

Cách lấy huyệt: Giao hai hổ khẩu tay, đầu nếp ngang ngón cái chiếu xuống mu bàn tay, đó là huyệt (cạnh xương bàn 2).

Những huyệt vị kể trên có thể day ấn hằng ngày, mỗi huyệt từ 3-5 phút. Nếu có thể kiên trì thực hiện, không những giúp thúc đẩy sự lưu thông khí huyết mà còn rất tốt trong việc điều hòa và thúc đẩy công năng các tạng phủ, hỗ trợ bài tiết độc tố, nâng cao thể trạng.
huyet-hop-coc-21

Xoa ấn huyệt hợp cốc giúp trị các chứng kinh bế, đau mắt, ù tai…

5. Xoa ấn huyệt Dũng tuyền bổ tạng thận

Thận chủ về tàng tinh, chủ cốt tuỷ, chủ về sinh dục và phát dục của cơ thể, chủ nạp khí, chủ thuỷ, khai khiếu ra tai, tiền âm, hậu âm và vinh nhuận ra tóc. Dũng tuyền là huyệt nằm ở lòng bàn chân, là huyệt tỉnh của kinh Thận. Theo Đông y, huyệt Dũng tuyền có tác dụng khai khiếu, tả nhiệt, giáng nghịch, sinh khí, chủ trị các chứng hôn mê, điên giản, đau đầu, chóng mặt, say nắng, tăng huyết áp… Đối với tạng Thận, huyệt này có tác dụng bổ ích cho nguyên khí của tạng Thận, bổ Thận cố nguyên.

Vị trí: Ở chính giữa phía trước lòng bàn chân.

Cách lấy huyệt: Nằm ngửa, ngón chân quặp vào lòng bàn chân, có một chỗ lõm như hình chữ nhân, tiếp giáp da dày chai và da mỏng hơn.

Bam-huyet-Dung-Tuyen-tri-benh

Xoa ấn huyệt dũng tuyền ở lòng bàn chân giúp lưu thông khí huyết, nâng cao thể trạng.

Mời bạn xem tiếp video:

Phát hiện cơ sở đông y bấm huyệt hoạt động không có giấy phép | SKĐS



BS. Nguyễn Huy Hoàng
Ý kiến của bạn