Hà Nội

5 công nhân bị ngộ độc khí amoniac nhập viện ở Bà Rịa-Vũng Tàu

26-04-2019 19:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo thông tin từ Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), ngày 26/4, các bác sĩ đã tiếp nhận cấp cứu 5 trường hợp là công nhân bị ngộ độc khí amoniac.

Theo thông tin ban đầu, 5 bệnh nhận này nhập viện lúc 7h30’ sáng 26/4 với các biểu hiện mệt mỏi, lơ mơ, chóng mặt, khó thở, buồn nôn…

Theo Bác sĩ Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bà Rịa, các trường hợp vào khoa cấp cứu đã được các bác sĩ sơ cấp cứu ban đầu. Hiện, 2 trường hợp nặng rơi vào tình trạng lơ mơ, chóng mặt, khó thở… đã được chạy oxy cao áp, 3 trường hợp còn lại đang cho thở oxy.

Được biết, cả 5 trường hợp đều là công nhân của Công ty TNHH Hoàng Thành Chung (công ty chuyên chế biến hải sản, phường 12, TP Vũng Tàu).

Công nhân bị ngộ độc khí amoniac cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa.

Theo một nữ công nhân bị ngộ độc, sự cố xảy ra vào thời điểm bắt đầu vào ca làm việc buổi sáng. Lúc đó, chị mới đến nhà gửi xe thì hít phải khí rò rỉ trong công ty, nhiều công nhân chạy toán loạn. Riêng chị bị choáng, khó thở… nên chạy vào nhà dân gần đó, được người dân sơ cứu và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Cùng ngày, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã nắm được vụ việc. Theo Thanh tra Sở vụ việc xảy ra tại kho lạnh của công ty. Phía doanh nghiệp cũng  báo lại là sáng cùng ngày, khí amoniac trong đường ống tăng lên đột ngột nên xì van an toàn, phía Sở sẽ xác minh lại vụ việc.

Theo các nhà chuyên môn, amoniac là chất hóa học tự nhiên trong không khí. Ở nhiệt độ phòng, amoniac là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước.  Hít phải amoniac có tính ăn mòn. Tiếp xúc với nồng độ cao amoniac trong không khí gây bỏng niêm mạc mũi, cổ họng và đường hô hấp. Điều này có thể phá hủy đường thở dẫn đến suy hô hấp. Hít nồng độ thấp hơn có thể gây ho và kích ứng mũi họng, kích ứng mắt gây chảy nước mắt.

Tiếp xúc trực tiếp: Nếu tiếp xúc với amoniac đậm đặc, da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng rất nặng. Những vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi, hoặc tử vong.

Nuốt phải: Vô tình ăn hoặc uống amoniac đậm đặc có thể bỏng ở miệng, cổ họng và dạ dày, đau dạ dày nghiêm trọng, nôn.

Không có bằng chứng cho thấy amoniac gây ung thư. Không có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với nồng độ amoniac tìm thấy trong môi trường gây ra dị tật bẩm sinh hoặc các hiệu ứng phát triển khác.

Amoniac nhẹ hơn không khí nên thường không tụ lại ở những nơi thấp. Tuy nhiên, trong môi trường ẩm ướt, amoniac có thể chuyển thành dạng hơi nước nặng hơn không khí, hoặc lan ra trên mặt đất và những vùng thấp. Hầu hết nạn nhân ngộ độc amoniac là do hít phải, một số trường hợp nuốt hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da.

- Nếu khu vực nhiễm đầy khí amoniac cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến nơi thoáng hơn, cởi bỏ quần áo dính amoniac; súc sạch miệng trong trường hợp lỡ nuốt phải khí độc...

Nếu vụ việc xảy ra trong nhà, hãy đi ra ngoài. Nếu xảy ra ở bên ngoài hãy vào trong nhà, đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ, tắt máy điều hòa.

- Nhanh chóng cởi bỏ quần áo dính amoniac. Nếu là áo chui đầu nên cắt bỏ, tránh cởi qua đầu để hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Cho quần áo vào túi nhựa và cột kín miệng để tránh gây nhiễm thêm cho nạn nhân và người khác. Để các túi này ở nơi an toàn, tránh xa mọi người, nhất là trẻ em.

- Nhanh chóng rửa sạch amoniac dính trên da với xà phòng và nước, rửa mắt sạch với nhiều nước. Nếu mang kính sát tròng thì tháo bỏ. Không dùng chất tẩy để rửa amoniac trên da.


Nguyễn Tùng
Ý kiến của bạn