Công nghệ in 3D
Trong khi các cơ sở y tế trên toàn cầu phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng về trang thiết bị y tế thì kỹ thuật in 3D được xem là giải pháp tình thế giải quyết tình trạng thiếu hụt này như thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), mặt nạ phòng độc, miếng gạc hay các chi tiết của máy thở...
Một trong những công ty tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19 là Coronavirus Makers, Tây Ban Nha đã dùng in 3D cho ra đời các loại mặt nạ và máy thở cho các bệnh nhân COVID-19 với các triệu chứng không nặng. Hoặc một hãng khởi nghiệp FabLab ở Italia còn in cả van 3D kết nối mặt nạ phòng độc với mặt nạ oxy cho các bệnh viện để đáp ứng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến. Một công ty in 3D khác - Materialize, Bỉ đã dùng in 3D để in các tay nắm cửa thông thường không dùng tay nhằm giảm lây truyền virus từ các bề mặt.
Khám chữa bệnh từ xa
Để giảm lây truyền SARS-CoV-2, công nghệ khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) đã được ứng dụng. Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ ngay tại nhà. Điều này không chỉ có lợi cho bệnh nhân mà còn tiết kiệm thời gian giúp các bác sĩ tập trung chăm sóc các trường hợp khẩn cấp. Tại Mỹ, có nhiều hãng áp dụng kỹ thuật Telemedicine thành công như Amwell, PlushCare hay HeyDoctor, Everlywell. Điều trị từ xa không chỉ hữu ích trong thời kỳ có dịch mà cả sau khi dịch bệnh chấm dứt, tạo ra thói quen mới trong ngành y lẫn người bệnh.
Khám chữa bệnh từ xa rất hữu ích cho cả thầy thuốc và bệnh nhân.
Theo dõi dịch bệnh qua điện thoại thông minh
Do số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng theo cấp số nhân nên các phương pháp truy tìm thông thường xác định người nhiễm bị hạn chế, bởi vậy, vai trò công nghệ cho mục đích này rất quan trọng. Theo dõi người có nguy cơ lây nhiễm cao bằng điện thoại thông minh sẽ biết được đối tượng, vị trí di chuyển và nhóm người gần với đối tượng này.
Một số quốc gia dùng kỹ thuật số để theo dõi sự lây lan của COVID-19 thành công. Singapore đã sử dụng tín hiệu bluetooth và không dây để theo dõi người dùng. Còn Hàn Quốc thì quản lý dịch bệnh tốt nhờ điện thoại và camera quan sát. Trong khi đó, người Nga lại ứng dụng hệ thống dựa trên QR để theo dõi dịch với sự hỗ trợ của những “gã khổng lồ công nghệ” như Apple và Google.
Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tạo ra một kỷ nguyên mới cho nhiều ngành trong đó có ngành y. Với đại dịch COVID-19, tầm quan trọng của công nghệ này đã thể hiện rõ hơn, giúp các nhà dịch tễ học đưa ra những cảnh báo sớm về loại virus. Ví dụ, Bệnh viện Trung Nam ở Trung Quốc đã sử dụng hệ thống trên nền AI để sàng lọc CT phổi và giúp các bác sĩ ưu tiên khám, điều trị các ca mắc nặng. Hãng BarabasiLab (Brazil) đang tích hợp việc học trên máy móc với khoa học mạng để tìm ra những loại thuốc mới chống lại virus...
Thực tế ảo, trợ thủ đắc lực cho nhân viên y tế tuyến đầu
Thực tế ảo (VR) được xem là công nghệ ưa thích cho nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Harvard Business Review, các bác sĩ phẫu thuật được đào tạo với VR đã cải thiện, đạt công suất tác nghiệp tới 230% so với nhóm bác sĩ được đào tạo bằng các phương pháp truyền thống. VR có thể giúp giải quyết tốt hơn các vấn đề mà bệnh nhân COVID-19 đang phải đối mặt như sự cô lập hoặc kỳ thị.
Một trong những bất lợi sau đại dịch là yếu tố tâm lý đối với các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu. Những người phải chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 nặng thường phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt sẽ dẫn đến các triệu chứng của rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD). Nhờ có thực tế ảo đã giúp các bác sĩ có được lựa chọn tốt hơn và giảm bớt các triệu chứng PTSD.