5 câu hỏi thường gặp cho hội chứng đau thắt lưng (đau lưng vùng thấp)

06-12-2024 20:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Hội chứng đau thắt lưng do nhiều chấn thương và tình trạng khác nhau gây ra nhưng nhiều trường hợp có nguyên nhân không rõ ràng. Việc điều trị đau thắt lưng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Hội chứng đau thắt lưng là một rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến cơ, dây thần kinh và xương ở lưng dưới. Nó có thể từ đau âm ỉ đến cảm giác đau buốt và hạn chế khả năng di chuyển.

Hội chứng đau thắt lưng là một bệnh lý thường gặp ở người trưởng thành. Đau thắt lưng là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây mất khả năng làm việc ở người trưởng thành. Đau thắt lưng có thể kèm hoặc không kèm đau thần kinh tọa.

Điều quan trọng trong điều trị đau thắt lưng là tìm được nguyên nhân gây bệnh. Về điều trị, thông thường đau lưng được chia làm 3 nhóm chính gồm đau lưng cấp, đau lưng mạn và hội chứng chèn ép rễ thần kinh.

1. Đông y có chữa được hội chứng đau thắt lưng không?

5 câu hỏi thường gặp cho hội chứng đau thắt lưng (đau lưng vùng thấp)- Ảnh 1.

Đông y có thể dùng các phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt để hỗ trợ điều trị hội chứng đau thắt lưng.

Đông y có thể hỗ trợ điều trị hội chứng đau thắt lưng. Theo quan điểm của Đông y, đau thắt lưng thường do các nguyên nhân như phong hàn thấp xâm nhập, thận hư, khí huyết ứ trệ gây ra. Do đó có thể dùng các phương pháp như: Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… giúp giảm đau, thư giãn cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu, tăng cường sức mạnh cơ bắp và dùng các bài thuốc điều trị từ bên trong, tùy thuộc vào thể bệnh của từng người.

Trong một số trường hợp đau cấp tính, Đông y có thể giúp giảm đau nhanh chóng, kết hợp với thuốc Tây để giảm viêm. Với trường hợp mạn tính, Đông y giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, kết hợp với Tây y để kiểm soát triệu chứng.

Để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

2. Đau thắt lưng có nguy hiểm không?

Các vấn đề về lưng có thể gây đau do các bộ phận khác của cơ thể và tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Cơn đau thường biến mất mà không cần điều trị nhưng nếu xảy ra với các triệu chứng sau đây, người bệnh nên đi khám bác sĩ:

  • Sụt cân;
  • Sốt;
  • Viêm hoặc sưng ở lưng;
  • Đau thắt lưng sau dai dẳng, nằm hoặc nghỉ ngơi nhưng không đỡ;
  • Đau lan xuống chân;
  • Đau đến dưới đầu gối;
  • Gần đây bị chấn thương ở lưng;
  • Tiểu tiện không tự chủ;
  • Khó đi tiểu;
  • Tê quanh bộ phận sinh dục;
  • Tê quanh hậu môn;
  • Tê quanh mông...

Do đó, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ cơ xương khớp và cột sống ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

Nguyên nhân gây đau: Nếu đau lưng do tư thế không đúng, căng cơ, hoặc thoát vị đĩa đệm nhẹ thì thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu đau lưng là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng hơn như ung thư cột sống, nhiễm trùng, hoặc gãy xương thì cần được điều trị ngay.

Mức độ đau: Đau nhẹ, âm ỉ thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu đau dữ dội, lan tỏa, kèm theo các triệu chứng khác như tê bì, yếu chân thì cần được khám ngay.

Thời gian kéo dài: Đau thắt lưng cấp tính thường tự khỏi sau vài ngày. Nếu đau kéo dài hơn 4 - 6 tuần, cần đi khám để tìm ra nguyên nhân.

3. Hội chứng đau thắt lưng có chữa khỏi được không?

5 câu hỏi thường gặp cho hội chứng đau thắt lưng (đau lưng vùng thấp)- Ảnh 3.

Đau thắt lưng có thể được kiểm soát và giảm thiểu đáng kể bằng các phương pháp điều trị.

Việc đau thắt lưng có chữa khỏi hoàn toàn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây đau, thời gian mắc bệnh, phương pháp điều trị. Thông thường, đau thắt lưng có thể được kiểm soát và giảm thiểu đáng kể bằng các phương pháp điều trị.

Thực tế không phải trường hợp nào cũng có thể chữa khỏi hoàn toàn. Đối với những trường hợp đau lưng do thoái hóa cột sống, việc ngăn chặn hoàn toàn quá trình thoái hóa là rất khó. Tuy nhiên, bằng cách điều trị tích cực và thay đổi lối sống, có thể kiểm soát cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Vì vậy, khi bị đau thắt lưng nên đi khám để được bác sĩ tư vấn. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây đau và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Bên cạnh việc điều trị, việc thay đổi lối sống cũng rất quan trọng, nên tập thể dục đều đặn, nâng vật nặng đúng cách, ngồi làm việc đúng tư thế, giảm cân nếu thừa cân. Cần kiên trì điều trị thực hiện và thực hiện theo các hướng dẫn của bác sĩ vì quá trình điều trị đau thắt lưng có thể kéo dài.

4. Cách chăm sóc người bị đau thắt lưng tại nhà

Đau thắt lưng là một tình trạng phổ biến và có thể gây khó chịu đáng kể. Dưới đây là một số cách có thể chăm sóc người thân bị đau thắt lưng tại nhà:

Nghỉ ngơi và giảm đau

Nghỉ ngơi hợp lý: Khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái, tránh các hoạt động gắng sức.

Chườm lạnh: Sử dụng túi chườm đá trong 48-72 giờ đầu để giảm sưng và viêm.

Chườm nóng: Sau chườm lạnh, chuyển sang chườm nóng để thư giãn cơ bắp.

Thuốc giảm đau: Sử dụng các loại thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Vật lý trị liệu tại nhà

Kéo giãn nhẹ nhàng: Thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng để giảm căng cơ và tăng cường lưu thông máu.

Bài tập nhẹ nhàng: Các bài tập yoga, pilates hoặc các bài tập dành riêng cho lưng có thể giúp tăng cường cơ lưng và giảm đau. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu trước khi thực hiện.

Chế độ ăn uống

Bổ sung canxi và vitamin D: Giúp xương chắc khỏe.

Ăn nhiều rau xanh và trái cây: Cung cấp chất xơ và các vitamin cần thiết.

Hạn chế đồ uống có gas, rượu bia: Đây là những thực phẩm làm tăng nguy cơ viêm.

Tư thế và sinh hoạt

Ngủ đúng tư thế: Nên nằm nghiêng, gối đầu cao vừa phải, đặt gối giữa hai chân.

Nâng vật nặng đúng cách: Cúi gối, giữ lưng thẳng và dùng lực chân để nâng.

Tránh ngồi quá lâu: Nên đứng dậy đi lại thường xuyên.

Nếu thấy người bệnh bị đau thắt lưng không cải thiện kéo dài hơn một tuần và không thuyên giảm tình trạng đau lưng mà còn trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

5. Chi phí khám điều trị bệnh đau thắt lưng

Khi bị hội chứng đau thắt lưng có thể khám và điều trị tại các bệnh viện đa khoa hoặc các bệnh viện chuyên khoa xương khớp, các bệnh viện Đông y.

Chi phí các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và phát hiện các bệnh lý kèm theo, chụp X-quang giúp xác định vị trí và mức độ đau thắt lưng, siêu âm. Đối với những trường hợp đau lưng phức tạp, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT hoặc MRI để đánh giá chi tiết hơn về tổn thương...

Mỗi xét nghiệm sẽ có chi phí khác nhau tùy theo người bệnh lựa chọn bảo hiểm y tế hoặc tự nguyện, theo yêu cầu... được thông báo trên bảng tin của các bệnh viện.

Mức chi phí cơ bản khi thực hiện cho người bị đau thắt lưng tùy mức độ đau thắt lưng theo giá dịch vụ theo yêu cầu hoặc mức bảo hiểm y tế được hưởng.

Xem thêm:

Chế độ ăn cho người bệnh hội chứng đau thắt lưngChế độ ăn cho người bệnh hội chứng đau thắt lưng

SKĐS - Đau thắt lưng là một tình trạng phổ biến, đặc trưng bởi cảm giác đau nhức ở vùng lưng dưới. Cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài, có thể lan xuống mông và chân. Lựa chọn những thực phẩm phù hợp giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Bài tập cho người mắc hội chứng đau thắt lưngBài tập cho người mắc hội chứng đau thắt lưng

SKĐS - Hội chứng đau thắt lưng có thể gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh việc điều trị theo nguyên nhân, người bệnh nên thực hiện các bài tập đơn giản nhằm làm giảm triệu chứng.



ThS. BS Nguyễn Hồng Quyên
Ý kiến của bạn