1. Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính nguy hiểm
Tăng huyết áp hay còn gọi là huyết áp cao được coi là một trong những ‘kẻ giết người thầm lặng’ hàng đầu. Tình trạng này xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành mạch máu luôn quá cao, gây ra nhiều tổn thương.
Nếu huyết áp không được kiểm soát hoặc quản lý tốt, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim bao gồm đau tim và đột quỵ…
Hầu hết những người bị tăng huyết áp không có triệu chứng, trừ khi huyết áp cao đến mức nguy hiểm.
Tăng huyết áp là ‘kẻ giết người thầm lặng’ hàng đầu.
Cách phòng ngừa:
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh là một giải pháp hữu hiệu để phòng tránh tăng huyết áp. Nên ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, các loại thực phẩm giàu kali, chất xơ, ăn ít muối (natri) và chất béo bão hòa...
- Giữ trọng lượng khỏe mạnh: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Do đó, cần thực hiện các cách để đạt được cân nặng khỏe mạnh, bao gồm lựa chọn thực phẩm lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên.
- Hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất có thể giúp duy trì cân nặng hợp lý và giảm huyết áp. Nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần hoặc 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần.
- Không hút thuốc: Hút thuốc làm tăng huyết áp và khiến bạn có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ cao hơn. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu. Nếu bạn hút thuốc, việc bỏ thuốc sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
- Hạn chế uống rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp. Đàn ông không nên uống quá 2 ly rượu mỗi ngày và phụ nữ không nên uống quá 1 ly rượu mỗi ngày.
- Ngủ đủ: Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và ngủ đủ giấc là một phần để giữ cho tim và mạch máu khỏe mạnh. Ngủ không đủ giấc thường xuyên có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao và đột quỵ...
2. Cholesterol cao (tăng mỡ máu)
Cholesterol cao cũng được coi là ‘kẻ giết người thầm lặng’, vì cũng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào ở bệnh nhân cho đến khi mức độ đạt đến mức cao nguy hiểm.
Cholesterol cao xảy ra khi có sự tích tụ quá nhiều chất béo hay cholesterol 'xấu' - LDL trong máu. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêu thụ chất béo không lành mạnh, thực phẩm chế biến sẵn, thói quen không lành mạnh như uống rượu, hút thuốc và ít tập thể dục…
Cách phòng ngừa:
- Lựa chọn ăn uống lành mạnh: Chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, natri (muối) và đường bổ sung như: Thịt nạc; hải sản; sữa, phô mai và sữa chua không béo hoặc ít béo; các loại ngũ cốc; ăn nhiều trái cây, rau quả, thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên và chất béo không bão hòa… Những thực phẩm này có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát mức cholesterol – LDL (cholesterol xấu) và chất béo trung tính, trong khi tăng mức cholesterol - HDL (cholesterol tốt).
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân và béo phì làm tăng mức cholesterol – LDL. Chất béo dư thừa trong cơ thể ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn sử dụng cholesterol và làm chậm khả năng loại bỏ cholesterol - LDL khỏi máu của cơ thể. Sự kết hợp này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
- Hoạt động thể chất thường xuyên: Hoạt động thể chất có thể giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm mức cholesterol và huyết áp.
- Từ bỏ hút thuốc: Hút thuốc làm hỏng các mạch máu, tăng tốc độ xơ cứng động mạch và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.
- Hạn chế rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng mức cholesterol và mức chất béo trung tính (một loại chất béo trong máu).
Hầu hết các trường hợp không biết mình mắc bệnh và các triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh đã đến giai đoạn nặng.
3. Bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường là tình trạng bệnh nhân có quá nhiều glucose (đường) trong máu. Tình trạng này xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra.
Đây cũng là một 'kẻ giết người thầm lặng' vì trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân không biết mình mắc bệnh và các triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh đã đến giai đoạn nặng.
Cách phòng ngừa:
- Giảm cân: Giảm cân làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
- Vận động cơ thể nhiều hơn: Giúp giảm cân, giảm lượng đường trong máu, tăng cường độ nhạy với insulin, giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường…
- Ăn thực phẩm lành mạnh từ thực vật: Thực vật cung cấp vitamin, khoáng chất và carbohydrate trong chế độ ăn uống. Carbohydrate bao gồm đường và tinh bột (cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể) và chất xơ. Chất xơ thúc đẩy giảm cân và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Ăn chất béo lành mạnh...
Các bệnh mạn tính như ung thư đều diễn biễn thầm lặng…
4. Bệnh ung thư
Ung thư là một tình trạng đe dọa tính mạng. Điều đáng lo ngại là hầu hết các bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng và ung thư phổi… đều diễn biến thầm lặng.
Bệnh chỉ có thể được phát hiện hoặc xác nhận thông qua sàng lọc, đây là một công cụ quan trọng để ngăn ngừa ung thư và chẩn đoán sớm.
Cách phòng ngừa:
- Không sử dụng thuốc lá: Hút thuốc có liên quan đến nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, miệng, cổ họng, thanh quản, tuyến tụy, bàng quang, cổ tử cung và thận. Ngay cả khi ở gần khói thuốc thụ động cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Hãy tránh xa thuốc lá hoặc quyết định ngừng sử dụng, là một cách quan trọng để giúp ngăn ngừa ung thư.
- Ăn uống lành mạnh: Có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Hãy ăn nhiều trái cây và rau quả; hạn chế đường tinh chế và chất béo từ nguồn động vật; uống rượu có chừng mực (vì rượu làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư vú, ruột kết, phổi, thận và gan), hạn chế thịt chế biến.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh và hoạt động thể chất: Cân nặng khỏe mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, ruột kết và thận...
- Bảo vệ bạn khỏi ánh nắng mặt trời: Ung thư da là một trong những loại ung thư phổ biến nhất và là một trong những loại ung thư dễ phòng ngừa nhất. Do đó, hãy tránh nắng giữa trưa (trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều khi tia nắng mặt trời mạnh nhất). Bảo vệ cơ thể khi ra ngoài trời nắng…
- Tiêm phòng: Giúp bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm virus gây ung thư như: Viêm gan B có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan; virus u nhú ở người (HPV), có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư sinh dục khác…
- Tránh những hành vi rủi ro: Một chiến thuật phòng ngừa ung thư hiệu quả khác là tránh các hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến nhiễm trùng, từ đó có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ: Thực hành tình dục an toàn, không dùng chung kim tiêm…
5. Bệnh gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ không biểu hiện dưới dạng các triệu chứng, dễ bị nhầm lẫn các dấu hiệu với các bệnh lành tính khác.
Bệnh gan nhiễm mỡ có thể có hai loại:
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), nghĩa là không liên quan đến việc uống rượu.
- Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD), còn được gọi là viêm gan nhiễm mỡ do rượu, xảy ra do sử dụng nhiều rượu.
Đây là một kẻ giết người thầm lặng do bệnh tiến triển dần dần, không biểu hiện dưới dạng các triệu chứng hoặc dễ bị nhầm lẫn các dấu hiệu với các bệnh lành tính khác.
Cách tốt nhất để tránh bệnh gan nhiễm mỡ là thực hiện những điều giúp duy trì sức khỏe tổng thể như:
- Giữ cân nặng khỏe mạnh. Nếu bạn bị thừa cân/béo phì, hãy giảm cân dần dần.
- Luyện tập thể dục đều đặn.
- Hạn chế tiêu thụ rượu của bạn.
- Uống thuốc theo quy định.
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng