Hà Nội

5 cách xử trí khi trẻ bị chảy máu cam tại nhà

31-07-2023 06:48 | Y học 360

SKĐS – Chảy máu cam ở trẻ hay chảy máu mũi là tình trạng các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là hiện tượng phổ biến ở trẻ em ở độ tuổi từ 2-10 tuổi. Khi trẻ bị chảy máu cam, cha mẹ nên làm gì?

Vì sao trẻ bị chảy máu cam?

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, bệnh viện Nhi Trung ương, chảy máu cam là tình trạng các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Hầu hết ai cũng bị chảy máu cam ít nhất một lần trong đời, nhất là ở độ tuổi từ 2-10 tuổi. Tùy từng trường hợp mà chảy máu cam có thể nguy hiểm hoặc không. Tuy nhiên, phần lớn chảy máu cam thường không nghiêm trọng, chỉ kéo dài vài phút và có thể xử trí tại nhà.

photo-1690725771412

Hầu hết ai cũng bị chảy máu cam ít nhất một lần trong đời, nhất là ở độ tuổi từ 2-10 tuổi. Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ gồm:

- Khí hậu khô, nóng khiến mũi trẻ bị khô khiến cho mạch máu của trẻ trở nên nhạy cảm và có thể bị vỡ.

- Trẻ có thói quen ngoáy mũi, day mũi, xì mũi hoặc chà xát quá mạnh

- Dị ứng, nhiễm trùng ở mũi, họng và xoang

- Do trẻ bị chấn thương ở mũi do bị ngã, do va chạm mạnh

- Do trẻ bị vẹo vách ngăn ở mũi

- Trẻ có sử dụng mộ số loại thuốc chống viêm, thuốc xịt…

Một số vấn đề khác ít gặp hơn của chảy máu cam là: bệnh bạch cầu, khối u mũi, giảm tiểu cầu miễn dịch…Ngoài ra, trẻ bị chảy máu cam có thể do bị thiếu hụt vitamin C, vitamin K hoặc các khoáng chất tham gia tổng hợp như: sắt, kali…

Các bước xử trí trẻ bị chảy máu cam tại nhà

Cũng theo TS.BS Lê Ngọc Duy, khi trẻ bị chảy máu cam cha mẹ cần làm 5 bước sau:

1. Trấn an, động viên, an ủi để trẻ không hoảng sợ

2. Giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng, nghiêng đầu nhẹ về phía trước

3. Bóp mũi: Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi trẻ khoảng 10 phút. Lưu ý không bóp phần xương sống mũi hay ấn một bên cánh mũi, kể cả khi trẻ chỉ chảy máu ở một bên mũi.

4. Thả tay ra sau 10 phút và chờ đợi, giữ im lặng. Nếu máu không ngừng chảy, lặp lại bước này. Cha mẹ lưu ý, nếu sau hơn 10 phút nữa mà máu vẫn chảy thì cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

5. Sau bước sơ cứu, để trẻ nằm nghỉ một lúc. Nếu thấy máu vẫn chảy xuống cổ họng thì đặt trẻ nằm nghiêng. Tránh để trẻ nuốt máu vì có thể gây nôn mửa, khó chịu.

photo-1690725772596

Cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu không cầm được máu sau khi sơ cứu trong vòng 20 phút. Ảnh minh họa

Trẻ chảy máu cam khi nào cần đưa đến bệnh viện?

TS.BS Lê Ngọc Duy khuyến cáo, cần đưa trẻ đến bệnh viện khi có một trong các biểu hiện sau:

- Không cầm máu sau khi sơ cứu trong vòng 20 phút

- Chảy máu tái đi tái lại nhiều lần

- Máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu

- Chảy máu do chấn thương

- Trẻ cảm thấy người yếu, chóng mặt

- máu chảy xuống phần sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi, kể cả sau khi đã ngồi ngả đầu về phía trước

- Chảy máu mũi khi dùng một loại thuốc mới

- Chảy máu mũi đi kèm với các vết tím khắp cơ thể hoặc kèm chảy máu ở khu vực khác như trong phân, nước tiểu

- Đang dùng các thuốc chống đông máu

- Trẻ có bệnh toàn thân khác ảnh hưởng tới đông máu như: bệnh gan, thận hemophilia hoặc mới trải qua hóa trị liệu.

Bài thuốc chữa chảy máu cam ở trẻ emBài thuốc chữa chảy máu cam ở trẻ em

SKĐS - Y học cổ truyền gọi chảy máu cam là nục huyết, thường gặp ở trẻ em. Theo sách Hải Thượng Lãn Ông, “chứng thổ huyết nục huyết (chảy máu mũi) phần nhiều bởi hỏa...

Mai Phương
Ý kiến của bạn