Viêm loét đại tràng (UC) là một bệnh mạn tính của ruột già (ruột kết), khó điều trị dứt điểm. Ở nước ta, bệnh lý này tương đối phổ biến.
Điều trị viêm loét đại tràng bao gồm các thuốc như: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc ức chế hệ thống miễn dịch... nhằm kiểm soát tình trạng viêm và các triệu chứng khác. Phẫu thuật cắt bỏ ruột kết và trực tràng có thể được thực hiện, nếu dùng thuốc không có tác dụng.
Các triệu chứng bệnh thường bao gồm: Có máu hoặc mủ trong phân, sốt và chán ăn, thiếu máu, nhịp tim nhanh và các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, viêm loét đại tràng có thể gây khó khăn khi thực hiện công việc hàng ngày, ảnh hưởng tâm lý, sự tự tin của người bệnh.
Bên cạnh các biện pháp điều trị, nhiều nghiên cứu cho thấy một số phương pháp điều trị tự nhiên, bao gồm từ thay đổi lối sống đến thuốc thảo dược, có thể hỗ trợ giảm triệu chứng, giảm tái phát đối với bệnh viêm đại tràng.
Viêm loét đại tràng là bệnh lý tương đối phổ biến trong cộng đồng.
Các biện pháp có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng ở người bệnh viêm loét đại tràng
1.Tránh thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng
TS. Snider, chuyên gia tiêu hóa Canada cho biết, một chế độ ăn uống lành mạnh là nền tảng cho sức khỏe tổng thể, rất có ích trong chữa trị viêm loét đại tràng.
Theo một đánh giá về các nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients, chế độ ăn phương Tây có nhiều chất béo, đường tinh luyện và các sản phẩm động vật có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc viêm loét đại tràng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Do đó, nên tránh các loại thực phẩm này.
Ngoài ra, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các sản phẩm từ sữa, caffeine, rượu, trái cây và rau sống cũng có thể gây ra các triệu chứng viêm loét đại tràng, không nên sử dụng.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không có chế độ ăn uống nào phù hợp với tất cả mọi người, vì vậy người bệnh sẽ phải tìm ra thực phẩm phù hợp nhất với mình thông qua các trải nghiệm của bản thân và ghi nhật ký để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho tình trạng bệnh của từng cá nhân.
Người bệnh viêm loét đại tràng không nên dùng thực phẩm nhiều dầu, mỡ
2. Tập thể dục thường xuyên
TS. Snider cho biết, tập thể dục rất hữu ích trong việc kiểm soát nhiều biến chứng liên quan đến viêm loét đại tràng, bao gồm giảm mật độ xương, hệ thống miễn dịch suy yếu, các vấn đề sức khỏe cảm xúc, căng thẳng và tăng cân.
Theo đó, các hoạt động thể dục cường độ vừa phải như bơi lội hoặc đi xe đạp ba hoặc bốn ngày mỗi tuần giúp giải phóng các myokine bảo vệ như irisin khỏi các cơ xương hoạt động, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành và giúp chữa bệnh.
Luyện tập thể dục ở mức độ vừa phải rất có lợi cho hệ tiêu hóa.
3. Giảm bớt căng thẳng
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Pediatrics, căng thẳng dẫn đến viêm và những thay đổi trong ruột, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm loét đại tràng.
Chống lại căng thẳng bằng các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu và liệu pháp thư giãn căng- chùng cơ để giúp cơ thể nghỉ ngơi.
Theo TS. Snider, những phương thức này không chỉ giúp điều hòa nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, giảm bớt căng thẳng mà còn tăng cường máu và chất dinh dưỡng hỗ trợ chức năng tiêu hóa.
Thiền giúp giảm bớt căng thẳng, tốt cho đường ruột.
4. Bổ sung axit béo omega-3
Là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung axit béo omega-3, chất béo lành mạnh có trong thực phẩm như cá, có thể ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm và giảm bớt các triệu chứng viêm loét đại tràng.
TS. Snider cho biết, chất béo omega-3 có thể có lợi cho bệnh nhân mắc cả viêm loét đại tràng và bệnh Crohn do tác dụng chống viêm mạnh mẽ và khả năng cung cấp năng lượng cho các tế bào lót trong đường ruột.
Thực phẩm chứa omega 3 có tác dụng chống viêm mạnh, hỗ trợ chức năng hệ tiêu hóa.
5. Một số biện pháp khác
Ngoài các biện pháp trên, sử dụng các loại thảo dược như gel lô hội, nước ép cỏ lúa mì hay các sản phẩm chứa protiotic như sữa chua… cũng có tác dụng tốt với người bệnh viêm loét đại tràng.
Tuy nhiên, điều quan trọng người bệnh cần nhớ là kiên trì thực hiện và không bỏ dở các biện pháp điều trị đang áp dụng khi bệnh ở giai đoạn cao trào, vì các biện pháp này chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Mời bạn xem tiếp video:
Thực hư thông tin sốt xuất huyết không nên uống sữa