Trường học đóng cửa, trẻ tự kỷ khó có thể tham gia hình thức học tập trực tuyến như trẻ bình thường. Hơn nữa, việc gián đoạn về can thiệp sẽ cản trở quá trình học hỏi các kỹ năng, việc trẻ phải ở trong nhà thường xuyên sẽ gia tăng những căng thẳng và dễ phát sinh các vấn đề hành vi, cảm xúc. Những lo lắng của cha mẹ cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh của trẻ tự kỷ cần bình tĩnh, có thể thực hiện một số biện pháp sau đây giúp biến những ngày cách ly xã hội thành những dịp quây quần gia đình, có các hoạt động giúp phát triển cảm xúc, nhận thức và các kỹ năng cho trẻ.
1. Duy trì thói quen, sinh hoạt theo thời gian biểu.
Mặc dù trẻ được nghỉ học nhưng cha mẹ nên cố gắng duy trì thói quen ăn ngủ như thường ngày. Dậy sớm và ngủ đúng giờ, tránh ăn vặt hoặc ăn không đúng bữa; các hoạt động trong ngày, trong tuần được xác định và thực hiện theo một thời gian biểu thống nhất nhưng linh hoạt. Việc duy trì thói quen sẽ giúp trẻ sẽ sớm thích nghi nếu phải đi học trở lại.
Đồng hành cùng trẻ là kim chỉ nam trong suốt tiến trình chăm sóc và hỗ trợ trẻ tự kỷ.
2. Dạy trẻ các hoạt động vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe.
Cha mẹ sẽ là những tấm gương để dạy trẻ biết giữ khoảng cách với người khác, đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh tay thường xuyên và đúng cách, che miệng khi ho… Đây đồng thời là những kỹ năng tự phục vụ cần thiết cho trẻ. Ngoài ra, việc ở nhà cùng trẻ trong thời gian dài cũng là cơ hội tốt cho cha mẹ dạy trẻ các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày: mặc quần áo, đánh răng, dọn bàn ăn, gập quần áo…
Cha mẹ có thể sử dụng tranh ảnh, lịch trình theo từng bước hoặc những bài hát có minh họa bằng các động tác vui nhộn để dễ dàng dạy trẻ. Với những trẻ nhận thức tốt hơn, cha mẹ có thể nói chuyện về virus Corona, giúp trẻ hiểu cách lan truyền virus từ đó có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
3. Giữ bình tĩnh để quản lý những hành vi thách thức
Hành vi thách thức của trẻ tự kỷ luôn gây khó khăn cho cha mẹ, nhất là khi trẻ bị buộc phải ở nhà và giới hạn các hoạt động bên ngoài. Cha mẹ cần quan sát và phân tích chức năng hành vi, các yếu tố khởi phát, yếu tố củng cố hành vi để đưa ra các biện pháp xử trí phù hợp. Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý nhiều hơn tới các hoạt động thể chất, hoạt động thư giãn, hoạt động điều hòa cảm giác cho trẻ.
Luôn giữ sự vui vẻ liên tục để trẻ chú ý và muốn tiếp tục học và tương tác.
4. Sáng tạo những trò chơi
Cha mẹ luôn là những người thầy tốt nhất cho trẻ tự kỷ. Dịch bệnh mang lại nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội khi cha mẹ có nhiều thời gian dành cho trẻ hơn so với trước đây. Cha mẹ có thể sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, sáng tạo các trò chơi mới, thử nghiệm các hoạt động mà có thể mang lại nhiều tiếng cười, sự gần gũi giữa trẻ và các thành viên trong gia đình.
5. Giữ thái độ tích cực
Đây là khoảng thời gian căng thẳng và khó khăn của nhiều gia đình, vì vậy có thể gây stress cho chính cha mẹ. Trong những ngày cả nước đang đồng tâm quyết chí phòng chống đại dịch, việc cách ly xã hội, đảo lộn các công việc, sinh hoạt hàng ngày có thể khiến trẻ tự kỷ và gia đình gặp nhiều khó khăn. Vì thế, giữ được thái độ tích cực để cùng trẻ vượt qua giai đoạn đầy thử thách này.