Giấc ngủ luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Để có được giấc ngủ ngon nên áp dụng một số phương pháp dưới đây:
1. Cho trẻ đi ngủ đúng giờ
Hãy tạo cho con cũng như chính bản thân cha mẹ một thói quen đi ngủ đúng giờ. Ở trẻ bé khoảng 9h là thời điểm lý tưởng để con chìm sâu vào giấc ngủ, vậy cứ đúng 8h30 phút tối cha mẹ sẽ thay đồ ngủ cho trẻ mặc thoải mái, nằm kể vài ba câu chuyện ngắn cho con nghe, sau đó tắt điện và chúc con ngủ ngon.
Đối với trẻ lớn hơn thì có thể 10h nhắc trẻ lên giường đi ngủ và ngày nào cũng như vậy, tức khắc trẻ sẽ hình thành thói quen.
2. Chú ý thực phẩm, nhất là bữa ăn tối
Tất cả các bữa ăn của trẻ trong ngày cha mẹ đều phải chú ý. Tuy nhiên, buổi tối thì cần lưu ý không để trẻ ăn quá no, ăn quá nhiều hoặc ăn những món ăn đầy bụng, khó tiêu… Bên cạnh đó cũng đừng để trẻ ăn muộn quá, tất cả những điều này đều không tốt cho sức khỏe của trẻ.
3. Phòng ngủ sạch sẽ, yên tĩnh
Môi trường ngủ là vấn đề cực kỳ quan trọng trong giấc ngủ của cả trẻ nhỏ và người lớn. Một môi trường sạch sẽ, yên tĩnh, chắc chắn sẽ giúp chúng ta ngủ ngon hơn.
Vì vậy, dù ở hoàn cảnh lý do nào, chúng ta hãy tự cố gắng khắc phục vấn đề của mình một cách tốt nhất có thể. Hãy cố gắng dọn dẹp nơi ở được sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, giặt chăn ga gối để giấc ngủ của trẻ được chất lượng hơn.
4. Nhiệt độ phòng ngủ
Do người lớn sợ nếu bị lạnh quá trẻ sẽ dễ bị ốm, nên thường xuyên mặc nhiều áo cho trẻ vào mùa đông. Mùa hè để nhiệt độ điều hòa cao quá hoặc thấp quá… sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị viêm đường hô hấp.
Trong mùa đông nên tránh mặc cho trẻ thật nhiều quần áo, nếu khi đi ngủ trẻ vẫn mặc nhiều quần áo sẽ dễ khiến trẻ bị khó chịu khi ngủ.
Còn mùa hè nên để nhiệt độ phòng khoảng 27 độ là nhiệt độ lý tưởng để trẻ có giấc ngủ ngon. Nếu sợ trẻ lạnh có thể đắp cho trẻ một chiếc chăn rất mỏng.
Nhiệt độ mát mẻ, môi trường thoải mái, sẽ giúp trẻ ngủ ngon một mạch từ đêm tới sáng mà không bị tỉnh giấc.
5. Không sử dụng các thiết bị điện tử
Trẻ nhỏ thường sử dụng điện thoại, tivi hay máy tính để xem phim, chơi game vào buổi tối. Các hoạt động này có thể khiến trẻ dễ bị cuốn vào các thiết bị điện tử và quên mất việc đi ngủ. Hơn nữa ánh sáng xanh từ các thiết bị còn ảnh hưởng tới mắt và gây khó ngủ.
Vì vậy, cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ. Nên duy trì thời gian tránh xa các thiết bị trước giờ đi ngủ ít nhất là 1 giờ.
Khi nào cần khám nếu trẻ bị khó ngủ?
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ, đơn giản nhất là có thể là do cha mẹ chưa thiết lập được một thói quen về giấc ngủ cho trẻ, cũng có thể để trẻ ngủ trưa nhiều dẫn đến việc trẻ khó ngủ về đêm.
Ngoài ra, tình trạng khó ngủ còn do các yếu tố khác như bị mệt, đi tiêm phòng về nên cảm thấy không thoải mái, do môi trường ngủ quá sáng, quá ồn ào, hoặc do trẻ đang mọc răng…
Thậm chí khó ngủ ở trẻ còn có thể do suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, do ăn quá no, thức ăn khó tiêu hoặc do một bệnh lý nào đó như bị trào ngược dạ dày…
Vì vậy, khi thấy trẻ bị khó ngủ thì cần đưa con đi thăm khám và xét nghiệm mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.
Thực tế cho thấy cần xác định nguyên nhân khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ để dựa vào đó điều chỉnh mới mang lại được tác dụng.