Mật ong còn gọi là bách hoa tinh, bách hoa cao, phong đường, phong mật. Tên khoa học là Apis mellifera L.
Mật ong đã được dùng làm thuốc ở nhiều quốc gia từ nhiều năm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo sử dụng mật ong khi bị đau họng kèm theo ho.
Viện Y tế và Chăm sóc Sức khỏe (NICE) và Y tế Công cộng Anh (PHE) cũng khuyến nghị sử dụng mật ong khi bị ho, đau họng. Ở Ấn Độ, mật ong đã được dùng để chữa ho, viêm họng từ xa xưa.
Mật ong được sử dụng nhiều do có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, chống vi khuẩn và chống nấm.
- Một số cách sử dụng mật ong để giảm ho, đau họng
- Mật ong với nước ấm: Đây là phương pháp đơn giản nhất giúp giảm ho, đau họng. Bạn chỉ cần trộn hai thìa mật ong với một cốc nước ấm và uống.
Bạn có thể uống hỗn hợp này 3 đến 4 lần một ngày. Để có kết quả tốt nhất, hãy dùng mật ong nguyên chất, có nguồn gốc rõ ràng.
- Mật ong với gừng tươi: Hỗn hợp này có thể giúp cơ thể đối phó với ho, cảm lạnh hoặc dị ứng. Mật ong, gừng không chỉ giảm ho, đau họng mà còn điều trị tận gốc nguyên nhân gây tình trạng này.
Giã nát lượng gừng tươi vừa đủ và ép lấy nước. Trộn khoảng 1 thìa nước ép này với một thìa mật ong và sử dụng. Thực hiện phương thuốc này ít nhất 2 đến 3 lần một ngày để có kết quả tốt nhất.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đun sôi gừng nạo với nước trong khoảng 5 phút. Lọc bã gừng rồi trộn 1 thìa mật ong với nước gừng và uống ngay.
Hỗn hợp mật ong, gừng giúp giảm ho, đau họng.
- Mật ong với đinh hương: Đinh hương có đặc tính chống vi khuẩn, khi kết hợp với mật ong tạo thành phương thuốc hiệu quả để giảm đau, kích thích tại họng.
Cách dùng đơn giản nhất là thêm một nhánh đinh hương vào một thìa mật ong và ngâm trong vài giờ hoặc qua đêm. Sau đó lấy đinh hương ra và nhấm nháp mật ong để giúp bạn giảm ho, đau họng nhanh chóng.
- Mật ong, chanh và nước nóng: Để thực hiện, bạn cần vắt nửa quả chanh vào cốc nước nóng và thêm 2 thìa mật ong vào rồi sử dụng 3-4 lần/ngày để sát khuẩn, làm ấm vùng họng, từ đó làm giảm triệu chứng ho, đau họng.
- Mật ong và quế: Quế có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Trong y học cổ truyền, quế là một phương thuốc truyền thống chữa cảm lạnh, cúm và viêm họng.
Bạn có thể sử dụng quế bằng cách thêm một chút quế vào một thìa mật ong và tiêu thụ hỗn hợp này 1-2 lần mỗi ngày. Hoặc pha trà bằng cách cho ½ thìa bột quế vào nước sôi trong một phút rồi thêm một thìa mật ong, uống khi còn nóng.
Mật ong, quế có tác dụng giảm triệu chứng viêm họng.
2. Một số lưu ý khi dùng mật ong
- Lựa chọn mật ong: Nên chọn loại mật ong nguyên chất chưa qua xử lý nhiệt hoặc lọc để giữ được các enzym tự nhiên và đặc tính chữa bệnh. Chú ý, không chọn mật ong nếu ong hút mật ở những cây có hoa độc như phụ tử, hoa thuốc lá, hoa cà độc dược.
- Tránh cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng mật ong: Do nguy cơ ngộ độc.
- Lưu ý nhiệt độ nước: Không nên sử dụng mật ong với nước vừa đun sôi vì nhiệt độ cao có thể làm giảm các đặc tính có lợi của vị thuốc.
- Kiên trì sử dụng: Để có kết quả tốt nhất, hãy thường xuyên sử dụng các phương pháp hỗ trợ điều trị bằng mật ong cho đến khi các triệu chứng giảm bớt.
- Liều lượng: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị hạn chế lượng đường bổ sung ở mức khoảng 30 gam mỗi ngày, vì vậy nên duy trì lượng mật ong hàng ngày không quá 6 thìa cà phê.
Mời bạn xem tiếp video:
Những tác dụng phụ tiềm ẩn của mật ong | SKĐS