1. Công dụng của hạt bí ngô
Hạt bí ngô còn có tên là hạt bí đỏ, nam qua tử (Semen Cucurbitae) là hạt của nhiều loại bí như bí ngô (Cucurbita pepo L.), bí rợ (Cucurbita moschata Duch)… đều thuộc họ Bí Cucurbitaceae.
Ngoài giàu magiê, mangan, đồng, protein và kẽm, hạt bí ngô còn chứa các hợp chất thực vật phytosterol và chất chống oxy hóa chống lại gốc tự do, giúp cải thiện sức khỏe.
Hạt bí ngô chứa magiê giúp tim khỏe mạnh, kẽm hỗ trợ miễn dịch, chất béo thực vật omega-3, cải thiện sức khỏe tuyến tiền liệt ở nam giới, phòng chống bệnh đái tháo đường, chứa tryptophan giúp ngủ ngon…
Tính vị quy kinh: Vị ngọt, tính bình, quy kinh tỳ, vị.
Công dụng: Chữa trùng tích, đầy chướng, tẩy giun sán, chữa u xơ tiền liệt tuyến…
2. Cách dùng hạt bí ngô chữa giun sán
- Cách thứ nhất: Bóc hết vỏ cứng của hạt bí ngô, để nguyên màng xanh ở trong. Người lớn dùng 100g nhân hạt ăn, có thể kết hợp với uống chút nước đường cho dễ ăn. Bệnh nhân nên ăn vào lúc đói. Trẻ em ăn 30 - 50g.
- Cách thứ hai: Hạt bí ngô 200g giã nát, cho 100ml nước vào đun sôi 5 phút, rồi lọc bỏ bã, thêm đường cho dễ uống, uống lúc đói.
- Cách thứ ba: Nhân hạt bí ngô 30 - 50g rang vàng ở nhiệt độ thấp ăn lúc bụng đói. Trị giun kim ở trẻ dưới 5 tuổi (kinh nghiệm dân gian).
- Cách thứ tư: Hạt bí ngô 50g, sử quân tử 30g.
+ Cách dùng: Rang chín, giã nát trộn với mật làm hoàn bằng hạt ngô, ngày uống 10 viên chia làm 2 lần, uống với nước sắc mang tiêu.
+ Tác dụng trị giun sán, đặc biệt là giun đũa. Dùng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Chú ý cần rang chín sử quân tử và bóc bỏ màng áo ngoài ra vì nếu ăn vào sẽ dễ bị nấc, ợ hơi.
- Cách thứ năm: Nhân hạt bí ngô 20g, hoài sơn 20g, bạch truật 12g, bạch biển đậu 20g, hậu phác 15g, gừng tươi 3 lát.
+ Cách dùng: Cho vào sắc với 1 lít nước còn 300ml chia 2 lần uống sáng chiều sau ăn.
+ Tác dụng: Các vị thuốc trên có tác dụng chữa đầy chướng bụng, tiêu thực, hành khí ổ bụng, trừ trùng tích đường ruột công hiệu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chuyên gia tiết lộ những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới.