1. Ăn quá nhiều đồ ngọt có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ
Đường là nguồn năng lượng chính để duy trì hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều đường khi còn trẻ, trong một thời gian dài sẽ dễ mắc các bệnh nguy hiểm.
- 1. Ăn quá nhiều đồ ngọt có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ
- 2. Cách hạn chế trẻ ăn quá nhiều đường
- 2.1. Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý
- 2.2. Không dùng đồ ngọt làm phần thưởng cho trẻ
- 2.3. Không nên để nhiều đồ ngọt trong nhà
- 2.4. Xác định đường ẩn trong các sản phẩm
- 2.5. Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh
Ăn nhiều đồ ngọt làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim và ung thư, đặc biệt là khi chúng ta già đi.
Ngoài ra, đau khớp, bệnh gout, bệnh gan nhiễm mỡ là những biến chứng có thể xảy ra khi thừa cân, béo phì do ăn quá nhiều đường.
Nghiên cứu cho thấy, ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng. Thực phẩm có đường như bánh, kẹo, nước ngọt không chỉ thay thế các nhóm thực phẩm thiết yếu như protein, trái cây, rau, sữa và ngũ cốc nguyên hạt, chúng còn làm cạn kiệt vitamin khỏi cơ thể trong quá trình tiêu hóa, ví dụ như vitamin B tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose.
Trong khi đó, trẻ em đang tuổi lớn rất cần protein để phát triển cơ bắp và chất béo lành mạnh để hỗ trợ não và hệ thần kinh. Một đứa trẻ thường xuyên uống nước ngọt thay vì sữa thường sẽ thiếu canxi cần thiết cho răng và xương chắc khỏe.
Ngoài việc ngăn ngừa lâu dài bệnh đái tháo đường và bệnh tim, việc tránh ăn quá nhiều đường cũng giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng của trẻ. Vì tình trạng sâu răng sẽ trở nên trầm trọng hơn khi trẻ thường xuyên ăn thức ăn và đồ uống có đường. Nếu không được chăm sóc phòng ngừa và điều trị tốt có thể dẫn đến nhiều vấn đề về răng miệng nghiêm trọng (ngay cả khi chúng chỉ là răng sữa)…
2. Cách hạn chế trẻ ăn quá nhiều đường
2.1. Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý
Thay vì nạp vào lượng calo rỗng từ đường, trẻ em cần được cung cấp một chế độ dinh dưỡng đầy đủ `các thực phẩm cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Bữa ăn của trẻ cần đủ số lượng và chất lượng, cân đối, đa dạng các nhóm thực phẩm như:
- Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc);
- Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...);
- Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật);
- Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...).
Khi trẻ được ăn đầy đủ chất với các thực phẩm lành mạnh, trẻ sẽ ít ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt là đường bổ sung không tốt cho sức khỏe như bánh, kẹo, nước ngọt và các loại nước sốt chứa đường khác.
2.2. Không dùng đồ ngọt làm phần thưởng cho trẻ
Phần lớn các bậc cha mẹ thường có thói quen dùng đồ ngọt (bánh, kẹo, nước ngọt…) làm phần thưởng khuyến khích trẻ. Tuy nhiên, điều này vô tình làm cho trẻ nhận thức rằng đồ ngọt tốt hơn hoặc có giá trị hơn các thực phẩm khác, khiến chúng càng trở nên háo hức và thèm muốn được ăn nhiều hơn.
Tuy nhiên, có nhiều cách tốt hơn để khuyến khích trẻ. Cha mẹ nên giải thích cho trẻ về những ảnh hưởng không tốt của những thực phẩm chứa nhiều đường. Khuyến khích trẻ phát triển sở thích đối với thực phẩm tự nhiên và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Thay vì đưa ra các loại bánh, kẹo, nước ngọt làm phần thưởng có thể thay bằng đồ chơi trí tuệ, sách, truyện… Biện pháp này cũng giúp hình thành thói quen tốt cho trẻ.
2.3. Không nên để nhiều đồ ngọt trong nhà
Một trong những cách đơn giản nhất để đảm bảo trẻ không ăn vặt quá nhiều đồ ngọt là cha mẹ nên tránh để quá nhiều đồ ăn nhẹ có đường trong nhà. Thay vào đó, nên chuẩn bị sẵn những thực phẩm lành mạnh như: sữa ít đường, sữa chua nguyên chất, trái cây, các loại hạt… Như vậy, trẻ vẫn có sự lựa chọn về các đồ ăn nhẹ, nhưng tất cả các thực phẩm đều lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
2.4. Xác định đường ẩn trong các sản phẩm
Thực phẩm bán cho trẻ em thường chứa nhiều đường. Đặc biệt là các loại bánh, kẹo, nước ngọt chứa rất nhiều đường bổ sung. Đường cũng có thể được ẩn trong các sản phẩm có vẻ bổ dưỡng như: sữa chua, ngũ cốc ăn liền, các loại nước sốt, nước trái cây đóng hộp…
Vì vậy, khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đọc nhãn thực phẩm để phát hiện ra lượng đường được thêm vào. Tốt nhất nên lựa chọn các thực phẩm nguyên chất như sữa không đường thay vì sữa có hương vị, nước tinh khiết thay cho nước ngọt, nước sốt không đường, hoặc trái cây tươi thay vì nước trái cây đóng hộp để loại bỏ lượng đường dư thừa.
2.5. Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh
Cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ bằng cách cho trẻ ngồi ăn chung với cả gia đình và khuyến khích trẻ giúp đỡ bố mẹ làm việc vặt trong bếp.
Trong khi trẻ tham gia nấu ăn và ăn uống cùng gia đình, cha mẹ hãy dạy trẻ nhận biết các loại thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của chúng đối với sức khỏe. Giải thích cho trẻ hiểu một số loại thức ăn là thức ăn hàng ngày, còn một số loại thức ăn khác là thức ăn lâu lâu mới nên ăn một lần nhằm mục đích cho trẻ hiểu là không nên ăn đồ ngọt mọi lúc mọi nơi.
Xem thêm video đang được quan tâm
7 lợi ích của vitamin C