Cảm lạnh (cảm phong hàn) thường gặp vào mùa đông hoặc đông - xuân do sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi. Sau đây xin giới thiệu 5 cách chữa cảm lạnh theo Đông y để bạn đọc tham khảo và áp dụng.
Biểu hiện: Trước tiên người bệnh cảm thấy ớn lạnh, rùng mình, nổi gai ốc, người thấy nôn nao, khó chịu, da nhợt nhạt, chân tay run, mạch tế sác.
Huyệt nội quan.
Cách chữa: Làm cho ra mồ hôi.
Cách 1: Xoa bóp day ấn huyệt
Khi gặp người bệnh có các biểu hiện trên cần đưa ngay vào nơi ấm và kín gió. Nhanh chóng day bấm các huyệt sau:
Tay phải day bấm các huyệt:
Huyệt thái xung (thuộc kinh can ở trên mu bàn chân nằm giữa kẽ ngón một và ngón hai của bàn chân đo lên hai tấc về phía mu của bàn chân); Huyệt nội quan thuộc kinh tâm bào ở mặt trước cẳng tay từ lằn chỉ cổ tay đo lên hai tấc, huyệt ở giữa hai gân cơ gan tay lớn và cơ gan tay bé); huyệt túc tam lý (thuộc kinh vị ở mặt ngoài cẳng chân, ở dưới bờ xương bánh chè ba tấc và cách mào xương chày một tấc); huyệt thận du (thuộc kinh bàng quang, ở vùng thắt lưng từ mỏm gai đốt sống thắt lưng hai đo ngang ra một tấc rưỡi).
Tay trái cùng một lúc bấm cả hai huyệt lao cung và lạc chẩm. Huyệt lao cung (thuộc kinh tâm bào ở trong lòng bàn tay tại điểm giao nhau giữa đường khe giữa ngón ba và ngón bốn với đường vân tim gan bàn tay); huyệt lạc chẩm (là huyệt ngoài đường kinh ở phía mu bàn tay cách khe liên khớp bàn ngón của ngón trỏ và ngón giữa một tấc rưỡi về phía mu bàn tay).
Huyệt thái xung.
Nếu bệnh nhân kèm theo đau vùng thượng vị, bấm thêm huyệt vị du và huyệt trung quản.
Nếu đau vùng quanh rốn bấm thêm huyệt chương môn, thiên khu; nếu đau vùng bụng dưới bấm thêm huyệt trường du, khí hải.
Chú ý: Day bấm mỗi huyệt khoảng 30 giây đến 1 phút với lực ấn vừa phải sao cho tại vị trí huyệt thấy cảm giác tức là vừa.
Có thể cho bệnh nhân uống thêm nước hãm nóng với 5 lát gừng già hoặc rang gạo bọc vào khăn để trên rốn người bệnh.
Cách 2: Xông hơi
Nồi nước xông gồm: bạc hà, kinh giới, tía tô, lá chanh, lá bưởi, lá tre, lá sả, cúc tần mỗi thứ một nắm, rửa sạch cho vào xoong, đổ ngập nước, đun sôi, bắc ra xông ngay, xông xong lau sạch mồ hôi thay quần áo. Chú ý nơi xông phải kín, tránh gió lùa. Không dùng phương pháp này cho trẻ nhỏ.
Phương pháp xông hơi thường kết hợp với cháo giải cảm.
Huyệt túc tam lý.
Cách 3: Ăn cháo giải cảm
Bát cháo giải cảm gồm: hành hoa, tía tô, gừng tươi (1 củ). Cả 3 thứ thái nhỏ, cho vào một bát to, nước cháo gạo tẻ đang sôi, đổ vào bát, thêm một ít muối và tiêu ăn ngay, sau đó nằm đắp chăn kín cho ra mồ hôi. Lau sạch mồ hôi, thay quần áo.
Cách 4: Đánh cảm bằng cám gạo rang nóng
Cám gạo tẻ 1 bát con, đem sao vàng bốc khói thơm, đổ ra một cái khăn vải khô sạch, buộc túm chặt, chà sát lên thân mình theo thứ tự sau: trán, lưng, bàn chân, bàn tay. Cụ thể làm như sau:
Vùng trán: chà từ vùng trán vuốt sang hai thái dương xuống má: 20 - 30 lần.
Vùng lưng: chà xuôi từ hai bên gáy xuống dọc hai bên thái dương bả vai, lưng, thắt lưng và giữa sống lưng: 20 - 30 lần.
Tay: chà xuôi từ vai xuống phía ngoài cẳng tay mu bàn tay: 20 - 30 lần.
Thân: Chà xuôi từ phía sau đùi, phía ngoài đùi xuống cẳng chân, bàn chân: 20 - 30 lần.
Khi cám đã nguội thì thay bằng cám nóng (rang lại hoặc rang mẻ khác) để làm cho hết liệu trình. Đánh cảm xong nằm đắp chăn kín cho ra mồ hôi. Có thể thay cám gạo bằng rượu, tóc rối, gừng hoặc lá trầu không, tùy kinh nghiệm của địa phương.
Phương pháp này thường kết hợp với uống thuốc giải cảm hoặc ăn cháo giải cảm.
Cách 5: Uống 1 trong 2 bài thuốc giải cảm sau:
Bài 1: lá bạc hà, lá kinh giới, lá tía tô, cam thảo dây, hành hoa. Mỗi thứ một nắm, thêm một lát gừng. Hãm nước sôi, uống nóng trong ngày.
Bài 2: tía tô 10g, bạch chỉ 6g, kinh giới 10g, vỏ quýt 5g, địa liền 6g, gừng tươi 3 lát, bạc hà 10g. Sắc uống ngày 1 thang uống 3 ngày.
Chú ý: trong các cách trên khi áp dụng cho người bệnh chỉ nên dùng 1 hoặc 2 cách, tùy thuộc thể trạng bệnh nhân và điều kiện cụ thể.
BS. Đỗ Minh Hiền