5 ca phẫu thuật lạ kỳ nổi tiếng trong lịch sử ngành y

01-10-2022 15:43 | Y học 360

Khó có thể tin được nhưng một bác sĩ người Mỹ đã tự phẫu thuật cắt ruột thừa cho mình chỉ với một chiếc gương và phương pháp gây tê tại chỗ mà không nhờ bất kỳ sự trợ giúp nào khác.

Bác sĩ tự phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Vào năm 1921, giới y học thế giới hết sức kinh ngạc trước khả năng phi thường của một bác sĩ phẫu thuật có tên Evan O’Neill Kane (Mỹ). Người này đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới vì đã tự phẫu thuật cắt ruột thừa cho mình chỉ với một chiếc gương và phương pháp gây tê tại chỗ mà không nhờ bất kỳ sự trợ giúp nào khác.

Có 3 bác sĩ khác đã đứng chứng kiến ca phẫu thuật có một không hai này để sẵn sàng ứng cứu đề phòng trường hợp “bất trắc” có thể xảy ra. Cuối cùng, ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi. Bệnh nhân - bác sĩ Kane nhanh chóng phục hồi và trở lại khoẻ mạnh bình thường. Trước đó, vào năm 1919, ông đã tự cắt bỏ ngón tay của mình để ngăn ngừa nhiễm trùng.

5 ca phẫu thuật lạ kỳ nổi tiếng trong lịch sử ngành y - Ảnh 1.

Bác sĩ Evan O’Neill Kane tự cắt ruột thừa của mình, khi đó ông đã 60 tuổi. (Ảnh: Medical Daily).

Sau thành công của ca phẫu thuật tự cắt bỏ ruột thừa, Kane quyết định tiếp tục tự mình thực hiện thêm một ca phẫu thuật phức tạp nữa kéo dài gần 2 giờ do bị thoát vị bẹn vào năm 1932, khi đó ông đã 70 tuổi. Mặc dù vừa phẫu thuật, vừa nói đùa cợt như không có gì, nhưng bác sĩ Kane vẫn thực hiện chính xác đến từng milimét. Ông được cho là người đầu tiên và cũng là duy nhất từ trước tới nay tự phẫu thuật cho mình theo cách này.

Cắt bỏ một bên não cho một bé gái

Bé Jessie Hall mắc hội chứng Rasmussen (viêm não) khiến não của bé bị phá hủy, gây ra chứng động kinh và giảm khả năng di chuyển. Vì vậy, gia đình Hall từ Aledo, Texas, Mỹ đã đưa bé đến bệnh vện trẻ em John Hopkins ở bang Maryland để chữa trị. Các bác sĩ đã chẩn đoán và quyết định cắt não phải của bé. Bác sĩ Ben Carson là người tiến hành mổ vào ngày 11/6/2008 trong 7 giờ đồng hồ. Sau ca phẫu thuật, tầm nhìn của bé Hall bị hạn chế và chân trái, tay trái yếu.

5 ca phẫu thuật lạ kỳ nổi tiếng trong lịch sử ngành y - Ảnh 2.

Tiến sĩ Ben Carson giải thích thủ tục cho cha của Jessie Hall vào năm 2009.

Bé gái không thể di chuyển nếu không được trợ giúp. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tuần sau, bé gái 6 tuổi có dấu hiệu phục hồi tích cực. Ngày 25/8 cùng năm, Hall tự đi bộ tới trường ở Aledo. Bố mẹ em vui sướng vì con gái khỏe mạnh. Ben Carson, sinh ngày 18/9/1951, là bác sĩ giải phẫu thần kinh nổi tiếng ở Mỹ, người từng tiến hành nhiều ca phẫu thuật nổi tiếng, bao gồm ca của bé Hall.

5 ca phẫu thuật lạ kỳ nổi tiếng trong lịch sử ngành y - Ảnh 3.

Jessie Hall sau 12 năm làm phẫu thuật cắt bỏ một bên não.

Năm 2008, Tổng thống Mỹ W.Bush đã tặng ông Huân chương Tự do Tổng thống vì những đóng góp của ông trong ngành y học.

Phẫu thuật khi còn trong bụng mẹ

Đó là trường hợp của bệnh nhân Kylie Bowlen (Úc) đang mang thai đến tuần thứ 22. Thai nhi trong bụng của Kylie bị nhau thai cuốn chặt lấy hai chân, khiến cho máu không lưu thông được xuống chân của đứa bé, làm ngăn cản quá trình phát triển của đôi chân. Và các bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt nhau thai cuốn quanh chân thai nhi vì nếu không, đứa bé sẽ bị hỏng hoàn toàn đôi chân.

5 ca phẫu thuật lạ kỳ nổi tiếng trong lịch sử ngành y - Ảnh 4.

Thời điểm ca phẫu thuật hy hữu này diễn ra thai nhi mới chỉ dài 17cm.

Các bác sĩ sử dụng một chiếc kính nhỏ khoảng 2mm đặt trong bụng người mẹ, sau đó sử dụng tia laze và dòng điện để cắt dây cuốn quanh chân trái. Bên chân phải đã bị thương tổn và không thể phẫu thuật ngay được. Do đó họ phải đợi cho đến khi đứa bé chào đời vào ngày 24/1/2008. 4 ngày sau khi đứa bé sinh ra, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật phục hồi chân phải cho bé và ca phẫu thuật đã thành công.

Ca phẫu thuật kéo dài kỷ lục 96 giờ

Ca phẫu thuật loại bỏ khối u buồng trứng khổng lồ cho một phụ nữ ở thành phố Chicago (Mỹ) vào năm 1951 được coi là ca phẫu thuật kéo dài nhất trong lịch sử ngành y khoa. Ca phẫu thuật này bắt đầu được tiến hành vào từ ngày 4/2 đến ngày 8/2 năm 1951 với tổng thời gian lên tới 96 giờ đồng hồ, tức 4 ngày đêm.

Bệnh nhân 58 tuổi, Gertruda Levandovski, trước khi tiến hành phẫu thuật có cân nặng lên tới 277 kg. Thế nhưng, khi ca phẫu thuật kỷ lục này kết thúc, cân nặng của Gertruda chỉ còn có 138 kg, chỉ còn bằng một nửa trọng lượng lúc ban đầu.

Sở dĩ Gertruda bị sút cân nhanh và nhiều đến vậy là vì các bác sĩ đã phải liên tục vừa phẫu thuật vừa băng khối u rồi từ từ làm khô nước dịch chảy ra nhằm ngăn chặn sự tụt huyết áp có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động của tim.

Ca phẫu thuật cho bào thai song sinh kỳ lạ nhất thế giới  

Sau khi đã mang thai được 6 tháng, Keri Mc Cartney, một người phụ nữ sống ở Laredo, bang Texas (Mỹ), mới đi siêu âm và vô cùng lo sợ khi phát hiện ra có một khối u nguy hiểm mọc một cách quái ác ở xương cụt của thai nhi. Khối u này gây cản trở việc máu cung cấp cho cơ thể thai nhi và có thể khiến cho bé bị chết.

Ca phẫu thuật nhằm giải cứu cho thai nhi nhanh chóng được triển khai.

Sau khi gây mê cho Keri, các bác sĩ phẫu thuật thuộc Bệnh viện nhi ở Histon (Mỹ) tiến hành mổ tử cung từ của cô để đưa 80% cơ thể của thai nhi ra ngoài, chỉ để đầu và vai ở bên trong cơ thể người mẹ. Họ đã nhanh chóng cắt bỏ khối u rồi đặt đứa trẻ trở lại trong tử cung và khâu bọc ối lại.

Khi phẫu thuật, các bác sĩ rất ngạc nhiên khi thấy phần mà họ cho là khối u thực ra là một bào thai song sinh với cô bé. Thực chất đây là một dạng thai đôi, tuy nhiên một trong hai đứa bé song sinh lại nằm ngay trên cơ thể của người anh em mình.

10 tuần sau khi được đưa trở lại bụng mẹ, đứa trẻ được chào đời hoàn toàn khỏe mạnh và được đặt tên là Macie Hope Mc Cartney.

Câu chuyện về nhà phát minh ra thuốc giảm đau ibuprofenCâu chuyện về nhà phát minh ra thuốc giảm đau ibuprofen

SKĐS - Chứng đau đầu của nhà khoa học Stewart Adams, người Anh đã thôi thúc ông tìm ra loại thuốc giảm đau ibuprofen. Từ khi ra đời, các loại thuốc giảm đau của ông đã trở thành một trong những loại thuốc phổ biến và bán chạy nhất thế giới.

K.D (t/h)
Ý kiến của bạn