Theo chia sẻ từ các kỹ sư điện lạnh, việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa được coi là nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của sản phẩm này. Màng lọc điều hòa (cách gọi thông dụng là lưới lọc) có vai trò ngăn chặn bụi bẩn xâm nhập vào dàn lạnh. Do đó, sau một thời gian sử dụng, đặc biệt là ở không gian nhiều bụi bẩn (do môi trường ô nhiễm), bụi bông (từ quần áo, chăn ga), khu vực này bị "đóng cặn" gây cản trở sự lưu thông luồng gió.
Máy điều hòa đưa không khí lạnh vào nhà, đồng thời hút khí nóng và các bụi bẩn ra ngoài. Quá trình hoạt động thường xuyên này khiến bộ lọc không khí và hệ thống quạt gió bị tích tụ bụi bẩn. Đó là lý do cần thiết phải thực hiện vệ sinh điều hòa định kỳ.
Việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Không những vậy, nếu điều hòa không được bảo trì thường xuyên còn có nguy cơ gây ra các bệnh về đường hô hấp cho người sử dụng như viêm họng, viêm mũi...
Để giải quyết vấn đề trên, Chuyên gia điện tử - điện lạnh Chu Ngọc Vũ tư vấn mọi người có thể tự tháo màng lọc và vệ sinh loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, sau đó lắp lại vị trí cũ để tiếp tục sử dụng.
Cụ thể các bước vệ sinh điều hòa tại nhà như sau:
Các bước vệ sinh điều hòa đúng cách, an toàn.
Bước 1: Nên ngắt hoàn toàn điện vào thiết bị bằng cách ngắt aptomat hoặc phích cắm điện của điều hoà trước khi tiến hành vệ sinh để đảm bảo an toàn điện.
Bước 2: Mở nắp mặt trước của điều hoà, sau đó rút tấm lưới lọc bụi ra bên ngoài. Thông thường theo thiết kế, 1 máy điều hòa sẽ có 2 tấm lưới lọc bụi.
Bước 3: Vệ sinh màng lọc dưới vòi nước và dùng bàn chải để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn bám trên màng lọc.
Bước 4: Sau khi loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, nên dùng khăn vải khô để thấm hết nước trên tấm màng lọc bụi.
Bước 5: Lắp lại tấm lưới lọc bụi vào vị trí cũ của điều hoà, sau đó cấp lại nguồn điện cho điều hòa để tiếp tục sử dụng.
Ông Vũ cũng lưu ý đến người dân, với trường hợp thuê thợ, mọi người có thể tham khảo giá thị trường để tránh bị "bắt chẹt" - nhất là vào cao điểm nắng nóng. Theo đó, giá vệ sinh màng lọc điều hòa hiện nay dao động khoảng 100.000 VNĐ/lần; đối với vệ sinh tổng thể toàn bộ máy điều hòa dao động từ 150.000 – 200.000 VNĐ/lần. Giá trên đã bao gồm nhân công, kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ.
Ngoài ra, mỗi sản phẩm điện tử - điện lạnh đều được áp dụng chính sách bảo hành theo quy định của hãng, do đó, người sử dụng có thể tham khảo giá hoặc nhờ hỗ trợ từ các trung tâm bảo hành của hãng khi sản phẩm gặp sự cố.
Cách sử dụng điều hòa tốt cho sức khỏe
Vào mùa nắng nóng, sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng điều hòa so với bên ngoài là khá cao. Do đó, người dân cần có kiến thức để dùng điều hòa đúng cách, tránh gây hại sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
BSCK1 Nguyễn Thị Yến Ly - Trưởng khoa Nhi hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, đa số các bố mẹ đều tin rằng cơ thể trẻ nhỏ hay mắc các bệnh lý đường hô hấp trên và dưới như viêm họng, viêm phế quản… là do nằm điều hòa. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh, nhiều gia đình đã không dám dùng điều hòa cho trẻ vào mùa hè vì sợ trẻ mắc bệnh.
Tuy nhiên, BS. Yến Ly cho rằng đây là quan điểm không đúng, vì trẻ nhỏ nếu không mắc các bệnh lý đặc biệt như suy dinh dưỡng, hoặc một số bệnh lý bẩm sinh thì lớp mỡ dưới da chính là phương tiện để giữ nhiệt cho cơ thể. Vì vậy dùng điều hòa không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc mắc bệnh của trẻ.
BS. Yến Ly khuyến cáo cách dùng điều hòa để cơ thể trẻ khỏe mạnh, hạn chế các bệnh lý đường hô hấp:
- Nên bật quạt trong phòng điều hòa gió để tạo sự thông thoáng không khí trong phòng.
- Nhiệt độ điều hoà nên để từ 26-28 độ C. Đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ đủ tháng, nhiệt độ nên để ở 36,5 – 37,5 độ C. Nếu trẻ được mặc quần áo, mang bao tay, mang vớ chân, đội mũ và đắp chăn thì nhiệt độ lý tưởng ở trong phòng điều hòa là từ 26 – 28 độ C. Ngoài lứa tuổi sơ sinh, nhiệt độ nên để 28 độ C.
- Không để điều hòa thổi thẳng vào người. Vị trí lắp đặt điều hòa nên ở trên cao, cánh cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp hướng về phía người nằm. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay.
- Thời gian bật điều hoà không quá 2-3 tiếng mỗi lần. Điều này có nghĩa là cứ 2-3 tiếng, mẹ nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường từ 10-15 phút. Đây cũng là thời gian để đuổi không khí tù đọng, đồng thời kết hợp đón nắng vào trong phòng bé.
- Không đột ngột đưa con ra ngoài. Khi đang để trẻ ngồi phòng điều hòa, không nên đột ngột đưa trẻ ra môi trường bên ngoài, sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm trẻ bị sốc nhiệt dẫn đến sốt, cảm cúm, ho.
Nếu muốn đưa trẻ ra ngoài, hãy tắt điều hòa nhiệt độ, để trẻ tiếp tục ngồi trong căn phòng đó, sự tăng nhiệt độ dần của căn phòng sẽ giúp trẻ dễ thích nghi hơn. Khi nhiệt độ trong phòng gần với nhiệt độ ngoài trời, lúc đó mới nên đưa trẻ ra ngoài.
- Thường xuyên vệ sinh sạch nhà cửa và điều hòa. Để ý thời gian bảo dưỡng để đảm bảo điều hòa luôn sạch sẽ và chạy đúng công suất. Thường xuyên lau dọn phòng sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập. Vệ sinh điều hòa, định kỳ.
- Giữ độ ẩm cho cơ thể của bé. Nên đắp một tấm chăn mỏng, che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh.
Sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc đặt chậu nước nhỏ trong phòng. Việc này giúp cân bằng tình trạng không khí bị khô. Nếu thời tiết không quá nóng thì không cần thiết phải sử dụng điều hòa....