Bước 1: Bắt đầu bằng cách quan sát ngực trước gương trong tư thế vai thẳng, tay chống hông.
Những điều cần quan sát:
- Hai bên ngực có kích thước, hình dạng và màu sắc bình thường
- Hai bên ngực có hình dạng đều đặn, không thấy biến dạng hoặc sưng
Nếu thấy những thay đổi sau, bạn nên đi khám bác sĩ:
- Vết lõm, nhăn, hoặc lồi của da
- Núm vú thay đổi vị trí hoặc tụt vào trong
- Vết đỏ, loét, phát ban hoặc sưng
Bước 2: Giơ cánh tay lên trên đầu và kiểm tra những thay đổi như trên.
Bước 3: Trong khi đứng trước gương, kiểm tra dấu hiệu chảy dịch ở một hoặc cả hai núm vú (dịch này có thể là nước, sữa, dịch vàng hoặc máu).
Bước 4: Tiếp theo, kiểm tra ngực ở tư thế nằm ngửa, dùng tay phải để sờ nắn ngực trái và tay trái để sờ nắn ngực phải, sử dụng mặt phẳng của các đầu ngón tay khép lại, nắn theo hình vòng tròn. Kiểm tra toàn bộ bầu vú từ trên xuống dưới, từ phía xương đòn xuống phía bụng và từ phía nách vào phía xương ức.
Làm theo trình tự để đảm bảo kiểm tra hết toàn bộ ngực. Có thể bắt đầu từ núm vú, di chuyển theo vòng tròn lớn dần cho đến khi tới hết rìa ngoài của vú.
Cũng có thể chuyển động các ngón tay lên xuống theo chiều dọc, theo từng hàng như khi cắt cỏ. Cách này có vẻ có tác dụng tốt nhất với hầu hết phụ nữ.
Hãy đảm bảo sờ nắn hết toàn bộ mô từ trước ra sau vú: với da và mô ngay dưới da, dùng lực ấn nhẹ; dùng lực ấn trung bình với mô ở giữa; dùng lực ấn mạnh với mô ở sâu. Khi tới mô sâu, bạn cần cảm thấy được xương sườn.
Bước 5: Cuối cùng, sờ nắn ngực ở tư thế đứng hoặc ngồi. Nhiều người thấy cách dễ nhất là sờ nắn ngực là khi da còn đang ướt và trơn, vì thế họ thích thực hiện bước này trong lúc tắm. Kiểm tra toàn bộ ngực, sử dụng chuyển động của bàn tay như mô tả ở bước 4.
Những điều cần nhớ
1: Hãy bắt đầu tự kiểm tra 1 tháng một lần, chưa cần chú ý nhiều đến các u cục mà thay vào đó hãy tìm hiểu các phần khác nhau của ngực bình thường sẽ có hình dạng và cảm giác như thế nào. Ghi chép lại sẽ giúp bạn nhớ hơn.
2: Tự kiểm tra sau khi hết “đèn đỏ” vài ngày, khi ngực ít bị căng và cương tức hơn. Với những người đã mãn kinh, hãy chọn một ngày cho dễ nhớ, ví dụ như ngày đầu tiên hoặc cuối cùng của tháng.
3: Bạn chỉ nên lo ngại nếu có u cục đột ngột xuất hiện và tồn tại suốt một chu kỳ kinh nguyệt, tách biệt với cấu trúc xung quanh.
4: Nếu thấy khối u bất thường đột ngột xuất hiện và tồn tại suốt một thời gian, ngày càng to lên, hãy đến khám ở cơ sở y tế.
Cẩm Tú
(Tổng hợp)