Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện 5 biện pháp sau:
1. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).
Ảnh: Internet.
2. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Lựa chọn thịt lợn tươi, ngon để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh lây bệnh từ lợn sang người. Ảnh: Internet.
3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng cũng là cách bảo vệ sức khỏe khỏi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có liên cầu lợn.
4. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Quy trình giết mổ lợn phải đảm bảo an toàn vệ sinh, tuyệt đối không giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Ảnh: Internet.
5. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Người bị sốt cao đột ngột có liên quan đến chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Ảnh: Internet.
Minh Trí