Hà Nội

5 bước giúp người cao tuổi phòng chống các bệnh lây nhiễm

23-12-2021 07:30 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS - Trước tình trạng già hóa dân số, người cao tuổi cần được chăm sóc tốt là một trong những mục tiêu của nhà nước. Để sống khỏe mạnh, người cao tuổi cần có chủ động phòng chống các bệnh lây nhiễm.

Tại Việt Nam, nước ta chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 khi số người cao tuổi Việt Nam (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7,7% dân số, tức có 7,4 triệu người cao tuổi. Năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Theo dự báo tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Nếu các nước phát triển phải mất một thế kỷ hoặc vài thập kỷ để chuyển đổi từ 7% lên 14% dân số ở độ tuổi trên 65 như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Úc (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm) ...Việt Nam sẽ chỉ mất 18 năm.

Theo các chuyên gia, người cao tuổi thường có nhiều bệnh tật, trong đó nhiều bệnh mãn tính dẫn đến gánh nặng "bệnh tật kép". Tính trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh.

Quan trọng hơn, người cao tuổi sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra. Vì thế, việc phòng tránh các bệnh lây nhiễm giúp bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, giảm nguy cơ các bệnh tiến triển nặng, tiết kiệm chi phí điều trị.

5 bước giúp người cao tuổi phòng chống các bệnh lây nhiễm - Ảnh 1.

Để phòng tránh các bệnh lây nhiễm, người cao tuổi nên áp dụng các bước sau:

Giữ tinh thần thoải mái: Tinh thần là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Đã có những nghiên cứu cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa cảm xúc và hệ miễn dịch. Khi chúng ta lo âu, buồn chán hay trầm cảm thì hệ miễn dịch cũng yếu đi. Khi yêu đời vui vẻ thì cơ thể cũng cảm thấy khỏe mạnh hơn.

Vì thế, người cao tuổi nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, chia sẻ cùng con cháu. Xem phim, đọc báo hay nghe các tin tức tích cực, hạn chế tiếp xúc các tin tiêu cực, phải suy nghĩ nhiều. Người cao tuổi hệ miễn dịch đã yếu lại thêm có nhiều bệnh nền, khi đọc được những tin tức tiêu cực càng làm cho hệ miễn dịch yếu hơn, nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Tập luyện thể dục, thể thao: Khi tập thể dục cố gắng tập nhanh để nhịp tim nhanh hơn, giúp ra mồ hôi tốt hơn. Không khí trong lành, thoáng mát là một trong những biện pháp tốt nhất lọc phổi. Tuy nhiên, khi có nguy cơ dịch bệnh, nên tập trong nhà bằng nhiều cách như yoga, thể dục hoặc đạp xe tại chỗ… 

Tập thể dục cũng là một cách giúp cơ thể giảm stress, tinh thần hưng phấn, lạc quan hơn.

Tăng sức đề kháng: Để có một cơ thể khỏe mạnh thì cần có sức đề kháng tốt. Sức đề kháng là hệ thống phòng vệ của cơ thể, giúp chống lại các tác nhân có hại như virus, vi khuẩn, nấm và nhiều yếu tố khác từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.

Những nhóm chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng là nhóm chất đạm (thịt heo, thịt bò, cá, trứng, sữa...), nhóm chất béo (dầu đậu nành, dầu mè, dầu ôliu, dầu hướng dương...), nhóm bột đường (cơm, mì, nuôi, bánh mì...), nhóm khoáng chất (các loại rau, củ, quả, trái cây...).

Mỗi bữa ăn của người cao tuổi nên ăn theo chế độ: 1/3 trái cây và rau xanh, 1/3 chất đạm (thịt, cá, trứng…) và còn lại là ngũ cốc, tinh bột.

Tiêm phòng đầy đủ: Đối với người cao tuổi, việc tiêm phòng đầy đủ rất quan trọng. Việc tiêm nhắc hoặc tiêm đủ liều, đúng lịch sẽ giúp hệ miễn dịch người cao tuổi tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là một số bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện và gây nguy hiểm trong thời gian gần đây.

Đối với dịch COVID-19, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu và rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc và đẩy lùi COVID-19.

Chữa và kiểm soát các bệnh mạn tính: Các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, phổi mạn tính, cao huyết áp, ung thư… có nguy cơ chuyển nặng cũng như tăng tỷ lệ tử vong nếu không may mắc các bệnh truyền nhiễm, cao nhất do COVID-19. Do đó, người lớn tuổi cần kiểm soát bệnh, sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.

Người cao tuổi nâng cao kỹ năng tự chăm sóc, bảo đảm thích ứng già hóa dân số          Người cao tuổi nâng cao kỹ năng tự chăm sóc, bảo đảm thích ứng già hóa dân số

SKĐS - Trước thực trạng già hóa dân số đang diễn ra ở nước ta, việc nâng cao kỹ năng tự chăm sóc của người cao tuổi rất quan trọng giúp cuộc sống chủ động, khỏe mạnh…


T.H
Ý kiến của bạn