1. Những ảnh hưởng của suy giảm nội tiết tố nữ
Nội tiết tố nữ đóng một vai trò rất quan trọng với sức khỏe của phụ nữ. Nội tiết tố là những hóa chất được sản xuất bởi các tuyến trong hệ thống nội tiết giúp điều hòa nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể bao gồm: tâm trạng, thân nhiệt, sự trao đổi chất, nhịp tim, chu kỳ sinh sản….
Mất cân bằng nội tiết tố nữ xảy ra khi hormone tăng cao hơn hoặc giảm xuống dưới mức bình thường. Nồng độ hormone ở phụ nữ thường dao động vào những thời điểm nhất định như trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, khi mang thai hoặc trong thời kỳ mãn kinh.
Sự thay đổi của nội tiết tố buồng trứng gồm estrogen và progesterone kéo theo nhiều hệ quả không chỉ đối với sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng lớn tới tinh thần của phụ nữ tuổi mãn kinh.
Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy, BV Phụ sản Hà Nội, trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, nội tiết tố nữ suy giảm sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề sức khỏe như: da khô, nám da, tóc khô gãy, rụng tóc, có thể khô rát âm đạo, viêm âm đạo, cũng có thể gây các bệnh tăng huyết áp, tim mạch và nhiều bệnh lý khác.
Chị em nên đi khám để được tư vấn các biện pháp điều trị thích hợp, không nên tự ý bổ sung nội tiết bằng thuốc. Nên chú ý thực hiện lối sống lành mạnh, tinh thần thoải mái, lạc quan yêu đời, tập thể dục đều đặn và có chế độ ăn uống hợp lý. Khi sức khỏe tổng thể tốt hơn thì nội tiết tố cũng tốt hơn.
2. Một số biện pháp tự nhiên giúp hỗ trợ cân bằng nội tiết tố
Ngủ đủ giấc
Trong khi ngủ, cơ thể thực hiện các chức năng thiết yếu liên quan đến sản xuất và điều hòa hormone. Cụ thể giấc ngủ giúp điều chỉnh cortisol, thường được gọi là hormone gây căng thẳng, ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể như phản ứng miễn dịch và trao đổi chất.
Thiếu ngủ có thể phá vỡ sự ổn định của các phản ứng này, dẫn đến tăng cảm giác đói, tăng cân, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và mất cân bằng nội tiết tố.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng tác động đáng kể đến sự cân bằng nội tiết tố. Các biện pháp như thiền định và hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm mức độ hormone căng thẳng một cách hiệu quả, đặc biệt là cortisol.
Cortisol tăng cao cũng có thể phá vỡ sự cân bằng bình thường của estrogen, dẫn đến nhiều mối lo ngại về sức khỏe sinh sản mặc dù cần có nhiều dữ liệu cụ thể hơn để xác nhận mối liên hệ này.
Kiểm soát căng thẳng cũng có thể hỗ trợ sản xuất, cân bằng các hormone khác như serotonin và dopamine, là những chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng. Những hormone này có thể nâng cao cảm giác vui vẻ và hạnh phúc, thúc đẩy môi trường nội tiết tố ổn định hơn.
Giảm tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết
Hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) là những chất trong môi trường, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng có thể ảnh hưởng đến chức năng của hormone. Chúng có thể bắt chước các hormone tự nhiên được tìm thấy trong cơ thể hoặc chúng có thể liên kết với một thụ thể trong tế bào và ngăn chặn sự liên kết của hormone tự nhiên dẫn đến việc hormone không thể thực hiện vai trò một cách hiệu quả.
Một số hormone có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi EDC bao gồm estrogen và hormone tuyến giáp. Chọn sản phẩm thủy tinh và thép không gỉ để đựng hoặc bảo quản thực phẩm là một biện pháp có thể làm giảm sự tiếp xúc với EDC. Hạn chế tiếp xúc với thực phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu cũng có thể hữu ích.
Ăn chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh, đặc biệt là những thực phẩm giàu acid béo omega-3, hỗ trợ cấu trúc và chức năng của màng tế bào, bao gồm cả tế bào sản xuất hormone.
Acid béo omega-3 là những khối xây dựng thiết yếu để tạo ra các hormone như estrogen, testosterone, progesterone và cortisol. Chúng cũng giúp sản xuất hormone điều chỉnh tình trạng viêm và chức năng miễn dịch. Loại chất béo này thường được tìm thấy trong cá béo, hạt lanh và quả óc chó.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục đều đặn giúp điều chỉnh cortisol, hormone gây căng thẳng kéo dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Các bài tập tim mạch như chạy hoặc bơi lội, có thể giúp giảm mức insulin và cải thiện độ nhạy insulin. Tập luyện sức mạnh có thể làm tăng mức độ hormone duy trì cơ bắp như testosterone và hormone tăng trưởng. Tập yoga có thể làm giảm mức cortisol, thúc đẩy thư giãn và giảm căng thẳng.
Lưu ý, chị em cần lắng nghe cơ thể và điều chỉnh cường độ cũng như thời gian tập luyện để tránh gắng sức quá mức, điều này có thể phản tác dụng đối với sự cân bằng hormone.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bí quyết giúp chị em tìm lại 'lửa yêu' sau mãn kinh.